TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC 2021 – TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA & những câu hỏi thường gặp

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP – TUYỂN SINH SĐH NĂM 2021

 

Câu hỏi 1. Hình thức thi phỏng vấn là như thế nào? Nội dung phỏng vấn là gì?

Trả lời:

  • Hình thức thi phỏng vấn bao gồm hai bước: (1) Xét hồ sơ đã nộp theo quy định; (2) Hội đồng chuyên môn đánh giá trực tiếp thí sinh qua các câu trả lời.
  • Nội dung phỏng vấn: kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, khả năng nghiên cứu độc lập, thực hiện dự án.

 

Câu hỏi 2. Đề cương môn thi có hay không?  Trả lời:

Đề cương các môn thi và đề cương đánh giá chuyên môn được công bố đầy đủ trên Cổng thông tin Đào tạo Sau đại học (Phụ lục 4, http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/thac-si).

 

Câu hỏi 3. Nhà trường có mở lớp ôn tập không? Đăng ký như thế nào?

Trả lời:

Nhà trường có mở lớp ôn tập môn tiếng Anh. Dự kiến tổ chức vào hai đợt: tháng 5 và tháng

10 năm 2021. Thí sinh liên hệ với Phòng đào tạo Sau đại học (phòng 115B3) để đăng ký.

 

Câu hỏi 4. Làm thế nào để biết ngành dự thi là ngành đúng/ ngành gần/ ngành khác với ngành dự tuyển?

Trả lời:

Danh mục ngành đúng/ ngành gần/ ngành khác được công bố đầy đủ trên Cổng thông tin Đào tạo Sau đại học (http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/thac-si/danh-muc-nganhdung-nganh-gan).

 

Câu hỏi 5. Học phí của thạc sĩ, tiến sĩ là bao nhiêu?

Trả lời:

Từ năm 2021, áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ 2021:

  • Học phí đào tạo thạc sĩ: 15 triệu đồng/học kỳ. Học viên được xem xét giảm học phí nếu số tín chỉ đăng ký ít hơn số tín chỉ định mức.
  • Học phí đào tạo tiến sĩ: 25 triệu đồng/học kỳ.

 

Câu hỏi 6. Trình độ anh văn đầu vào và đầu ra của thạc sĩ và tiến sĩ là như thế nào?

Trả lời:

  • Đối với thạc sĩ: xem Phụ lục 1, http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/thac-si
  • Đối với tiến sĩ: xem thông tin theo http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/tien-si

 

Câu hỏi 7. Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký cùng lúc “Xét tuyển” và “Xét tuyển kết hợp với thi tuyển” hay không? Trả lời:

Thí sinh được phép đăng ký cùng lúc “Xét tuyển” và “Xét tuyển kết hợp với thi tuyển”.

 

Câu hỏi 8. Bài luận cá nhân giới thiệu về bản thân, mục đích học tập, kỹ năng, kinh nghiệm công tác có mẫu không? Viết tay hay đánh máy? Viết bằng tiếng Anh được hay không?

Trả lời:

Thí sinh tự viết bài luận cá nhân theo những đề mục yêu cầu: giới thiệu về bản thân, mục đích học tập, kỹ năng, kinh nghiệm công tác, … Thí sinh có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều được chấp nhận.

 

Câu hỏi 9. Thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý phải viết như thế nào?

Trả lời:

Thư giới thiệu được trình bày theo mẫu có sẵn khi thí sinh đăng ký dự tuyển online, hoặc download mẫu tại http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/tien-si.

 

Câu hỏi 10. Giấy khám sức khỏe quá hạn một năm có sử dụng để nộp hồ sơ được hay không? Nhà trường có quy định phải khám ở bệnh viện nào không? Trả lời:

Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định như sau:

  • Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký kết luận sức khỏe.
  • Việc khám sức khỏe phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động.

 

Câu hỏi 11. Lý lịch cá nhân phải xác nhận ở đâu?

Trả lời:

Lý lịch cá nhân có thể được xác nhận bởi các tổ chức sau: Cơ quan công tác, UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng.

 

Câu hỏi 12. Thời gian học bắt đầu từ khi nào? Người học có thể chỉ sắp xếp học vào thứ bảy và chủ nhật được hay không?

Trả lời:

Một năm học có hai học kỳ chính, bắt đầu vào khoảng tháng 2-3 và tháng 8-9. Các lớp học được tổ chức giảng dạy ngoài giờ hành chính (vào các buổi tối trong tuần và ngày thứ bảy, chủ nhật). Do đào tạo theo hệ tín chỉ, người học có thể đăng ký môn học phù hợp với lịch công tác của bản thân.

 

Câu hỏi 13. Tuyển sinh tiến sĩ, dự bị tiến sĩ xét tuyển vào thời gian nào? Trả lời:

Phòng Đào tạo Sau đại học nhận hồ sơ tuyển sinh chương trình đào tạo tiến sĩ, dự bị tiến sĩ liên tục trong năm. Mỗi năm, nhà trường tổ chức xét tuyển vào 4 đợt. Thời gian của các đợt xét tuyển trong năm 2021 như sau: tháng 1, tháng 6, tháng 9, tháng 12.

 

Câu hỏi 14. Sinh viên đại học được đăng ký chương trình đào tạo liên thông ĐH – ThS từ năm học thứ mấy? Khi đăng ký cần những điều kiện gì?

Trả lời:

Người dự tuyển là sinh viên từ năm 3 của các ngành có chương trình đào tạo liên thông

ĐH-ThS, có điểm trung bình tích lũy đến thời điểm xét tuyển đạt loại khá trở lên (điểm trung bình tích lũy từ 7,0 điểm trở lên, theo thang điểm 10), có số tín chỉ tích lũy tối thiểu là 60 và đang theo học ngành học phù hợp với ngành đào tạo liên thông ĐH-ThS.

 

Câu hỏi 15. Sinh viên tham gia chương trình đào tạo liên thông ĐH – ThS được những quyền lợi gì?

Trả lời:

Chương trình giúp người học có học lực khá, giỏi rút ngắn thời gian học tập so với tổng thời gian đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng; bằng việc cho phép người học đăng ký học và tích lũy các môn học trình độ thạc sĩ từ năm 3 trong quá trình học trình độ đại học. Các môn học tích lũy này được xét công nhận cho các môn học ở trình độ đại học.

Và tiết kiệm chi phí về kinh tế và thời gian cho đào tạo để lấy cả bằng ĐH và Thạc sĩ.

 

Câu hỏi 16. + Thí sinh có thể bổ sung hồ sơ đăng ký dự tuyển (bằng tốt nghiệp đại học, bảng điểm, v.v…) sau hạn cuối nộp hồ sơ của đợt tuyển sinh được không?

+ Em là sinh viên năm cuối của trường, dự kiến tháng 06, tháng 07 năm 2021 này sẽ bảo vệ luận văn đại học, mà hạn chót 16/08/2021 là tuyển sinh thạc sĩ. Lúc đó, chưa có kịp chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Em sợ không kịp học thạc sĩ vào đầu HK1, năm 2021-2022; và buộc phải chờ đợi đến HK2, 2021-2022 mới được học giống như các năm trước. Vậy, có cho phép em nợ bằng tốt nghiệp đại học lúc tuyển sinh 16/08/2021 không?

 

Trả lời:

+ Thí sinh có thể bổ sung hồ sơ đăng ký dự tuyển sau hạn cuối nộp hồ sơ của đợt tuyển sinh. Thời gian gia hạn và các hồ sơ có thể được gia hạn nộp bổ sung sẽ được Phòng đào tạo Sau Đại học quy định cho từng đợt tuyển sinh.

+ Theo ý trên, khi bạn sinh viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp đại học vào tháng 06, tháng 07 năm 2021, bạn có thể đăng ký tuyển sinh vào 16/08 để kịp học thạc sĩ vào HK1, 2021-2022. Các hồ sơ còn thiếu được gia hạn bổ sung sau theo thời gian quy định được Phòng đào tạo Sau Đại học thông báo. Bạn cần làm giấy cam kết theo mẫu trên website của phòng:

http://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyensinh/thacsi

-> download file Giay_cam_ket_nop_bang.doc

 

Tương tự cho các bạn sinh viên dự kiến bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học vào tháng 12/2021, tháng 01/2022 -> đăng ký tuyển sinh thạc sĩ vào 14/01/2022.

 

Câu hỏi 17. Các quyền lợi của người học khi đăng ký học sau đại học tại Trường là gì? Trả lời:

Khi tham gia chương trình đào tạo Sau Đại học tại Trường Đại học Bách Khoa TpHCM, người học sẽ có các quyền lợi sau:

  • Đội ngũ Thầy/Cô tham gia giảng dạy, hướng dẫn có chuyên môn cao, nhiệt huyết.
  • Chương trình được đào tạo tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn các quốc gia tiên tiến.
  • Cơ sở vật chất, Phòng thí nghiệm hiện đại.
  • Học viên học tập tại Cơ sở Lý Thường Kiệt, Quận 10.
  • Môi trường học tập sáng tạo, năng động.
  • Thời gian học tập linh hoạt.
  • Học bổng sau đại học cao, lên đến 15 tỷ đồng/năm, 100 triệu/1 nghiên cứu tốt.
  • Cơ hội đi du học tại các nước tiên tiến với học bổng tốt.
  • Có cơ hội, môi trường tốt để phát triển mạng lưới mối quan hệ.
  • Hình ảnh, vị thế, uy tín cao của trường ĐH Bách Khoa với gần 65 năm lịch sử.