Khoa Cơ khí là một trong các khoa lớn và lâu đời nhất của Trường Đại học Bách khoa. Tiền thân Khoa Cơ khí là Trường Quốc Gia Kỹ sư Công nghệ, được thành lập vào năm 1956, trường đào tạo Kỹ sư Công nghệ với chương trình 4 năm đầu tiên ở các tỉnh Phía Nam, từ 1975 Khoa Cơ khí được thành lập bằng việc sát nhập trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ cùng một số khoa của Trường Bách khoa Trung cấp và tồn tại cho đến ngày nay.
Khoa Cơ khí là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao ở khu vực phía Nam. Cán bộ và sinh viên Khoa Cơ khí luôn phát huy vai trò đi đầu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và xã hội. Khoa Cơ khí cung cấp các chương trình đào tạo hiện đại và thực tế nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để trở thành những chuyên gia đầu ngành và các nhà lãnh đạo trong tương lai.
Hơn nữa, Khoa còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, góp phần hiệu quả vào việc phát triển khoa học và công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Khoa tập trung vào các lĩnh vực như: thiết kế và phát triển sản phẩm, thiết bị và máy móc công nghiệp, thiết bị chế biến thực phẩm, dệt may, nhựa, nhiệt lạnh, cơ điện tử – robot, tự động hóa, công nghiệp phụ trợ,…
Khoa đào tạo và cấp bằng kỹ sư thuộc 07 ngành (với 850 chỉ tiêu/ năm): Kỹ thuật cơ khí (gồm 03 chuyên ngành: Kỹ thuật chế tạo, Kỹ thuật thiết kế và Kỹ thuật Máy xây dựng và nâng chuyển); Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật Nhiệt (chuyên ngành Kỹ thuật Nhiệt lạnh); Kỹ thuật Dệt (Kỹ thuật dệt, Kỹ thuật hóa dệt); Công nghệ dệt,may (Công nghệ may, Công nghệ thiết kế thời trang); Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Khoa đào tạo Cao học thuộc 05 ngành: Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật Nhiệt; Kỹ thuật công nghiệp; Công nghệ dệt,may.
Đào tạo Tiến sĩ thuộc 03 ngành: Kỹ thuật cơ khí ;Kỹ thuật Nhiệt; Công nghệ dệt,may.
Ngoài ra có các chương trình đặc biệt:
• Chương trình PFIEV (Việt Pháp): Chương trình Cơ điện tử.
• Chương trình Kỹ sư tài năng: ngành Kỹ thuật Cơ khí; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp.
• Chương trình liên kết Quốc tế: ngành Cơ điện tử với trường UTS (University of Technology Sydney), Úc.
• Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: ngành Kỹ thuật Cơ khí; Kỹ thuật Cơ điện tử.
Hệ tiến sĩ có chương trình liên kết với Griffith University ngành Kỹ thuật Cơ khí.
Tổng số cán bộ giảng dạy và nhân viên trong Khoa trên 100, trong đó có gần 20 Giáo sư, Phó Giáo sư, trên 50 Tiến sĩ và khoảng hơn 20 Nghiên cứu sinh đang học tại nước ngoài…. Ngoài ra, Khoa còn tiếp nhận chuyên gia trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu ngắn hạn và nghiên cứu sinh tham gia các dự án và chương trình nghiên cứu từ ngân sách nhà nước và công nghiệp.
Nhằm phục vụ mục tiêu giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa đã trang bị các phòng thí nghiệm cấp Khoa bao gồm: Phòng thí nghiệm Đo lường, Phòng thí nghiệm CAD/CAM, Phòng thí nghiệm Điều khiển và Tự động hóa, Phòng thí nghiệm Công nghệ tạo hình và xử lý vật liệu, Xưởng Cơ khí, Phòng Máy tính, Thư viện,… và các phòng thí nghiệm cấp bộ môn và nhiều phòng thí nghiệm hiện đại do các công ty bên ngoài tài trợ (Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Khí nén SMC, phòng thí nghiệm Công nghệ in 3D).
Từ năm 2009 Khoa Cơ Khí triển khai áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO cho ngành Kỹ thuật Cơ khí và từ năm 2013 áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO cho tất cả các ngành còn lại của khoa. Từ thành công này, phương pháp tiếp cận CDIO được áp dụng chung cho toàn trường và các trường khác. Ngoài ra, Chương trình Kỹ thuật Chế tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA vào năm 2011, ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp vào năm 2015, ngành Kỹ thuật Nhiệt vào năm 2018. Chương trình Cơ điện tử PFIEV đạt chuẩn kiểm định CTI (Pháp) thuộc chuẩn kiểm định Châu Âu EURO-ACE vào năm 2011 và tái kiểm định năm 2016.
Từ năm 2015, Khoa Cơ khí là một trong 12 đơn vị của Trường Đại học Bách Khoa đạt chứng nhận ISO 9001:2008.
Từ năm 2014 áp dụng chương trình Kỹ sư 142 tín chỉ cho tất cả các ngành trong khoa định hướng kiểm định ABET và áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO.
Khoa Cơ khí