Lịch sử hình thành Khoa Cơ Khí – Trường Đại Học Bách Khoa

LỊCH SỬ

Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (tiền thân khoa Cơ khí) tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 1956, Trường do Chính phủ Pháp hỗ trợ. Tên trường dịch tiếng Pháp là École Nationale d’Ingénieurs des Arts Industriels (ENIAI).

Chương trình học ban đầu dựa theo chương trình của trường École Nationale D’Ingénieurs Des Arts Et Métiers (ENIAM) của Pháp (nay có tên là École Nationale Superieure D’Arts Et Metiers – ENSAM), sau đó hiệu chỉnh hoàn thiện dần.

Năm đầu tiên 1956 Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ có cơ sở tạm ở cuối đường Nguyễn Đình Chiểu (lúc đó mang tên Phan Đình Phùng), chung với Nha Kỹ thuật Học vụ (số 2 Mạc Thị Bưởi, ngày nay là trường Trung học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh).
Sau đó Trường Quốc Gia Kỹ sư Công nghệ được thành lập chính thức theo Nghị định số 114-GD ngày 22/03/1957 và tổ chức theo Nghị định số 374-GD ngày 23 tháng 03 năm 1957. Trường chỉ đào tạo Kỹ sư 4 năm, không có Ban cán sự.

Trong thời gian mới thành lập, từ khóa KSCN1 đến KSCN3, sinh viên phải đi học và thực tập nhờ ở trường và công ty như: Kỹ thuật Cao Thắng, Thực nghiệp, Hỏa xa, Caric, Ba Son, Asam,…

Theo Sắc lệnh số 213-GD ngày 29/6/1957 Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được thành lập. Sau đó theo Công lệnh 1080 GD-CL ngày 07/08/1958 Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật gồm bốn trường thành viên là Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện lực, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ và Việt Nam Hàng hải. Khi đó trường Quốc Gia Kỹ sư Công nghệ được chuyển đến tòa nhà B4. Năm 1962 Trường Cao đẳng Hóa học được thành lập và cũng thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật.

Năm 1957, GĐ Văn Đình Vinh là người tham gia đặt viên đá đầu tiên xây dựng Xưởng Công nghệ (nay gọi là Xưởng C1). Toàn bộ thiết bị xưởng do Pháp tài trợ và từ năm học 1962-1963 đã đưa máy móc và thiết bị từ Pháp về bắt đầu lắp đặt vào Xưởng Công nghệ.

Với chương trình Kỹ sư Công nghệ, ngoài phần lý thuyết còn đòi hỏi sinh viên có nhiều giờ thực hành ở các xưởng và phòng thí nghiệm (PTN) như: Xưởng nguội – Máy dụng cụ, Xưởng gò hàn, Xưởng mộc mẫu, Xưởng Đúc – Luyện kim, Xưởng Động cơ xe hơi và Máy phát điện, Xưởng Nhiệt động lực học (Nhiệt lạnh),…. Các PTN như: PTN Cấu trúc kim loại, PTN Đo lường, PTN Vẽ thiết kế, PTN Sức bền vật liệu, Cân bằng động, PTN Nhiệt luyện,…. Thời gian thực tập nhiều nhất là ở Xưởng nguội – Máy dụng cụ. Sinh viên học mỗi tuần 3 buổi trong 2 năm đầu thuộc chương trình Kỹ sư Công nghệ 4 năm.

Bên trong tòa nhà xưởng Công nghệ (C1) được phân nhiều khu vực, mỗi khu vực là xưởng hoặc PTN kể ra ở trên. Mỗi Xưởng, mỗi PTN đều có giảng viên người Pháp và Việt Nam dạy thực tập theo chương trình của Pháp.

Theo Sắc lệnh số 033-SL/GD ngày 21/03/1973 Học viện Quốc gia Kỹ thuật bao gồm sáu trường thành viên: trường Cao đẳng Công chánh, trường Cao đẳng Công nghệ (Quốc gia Kỹ sư Công nghệ), trường Cao đẳng Điện học, trường Cao đẳng Hóa học, trường Cao đẳng Hàng hải (Việt Nam Hàng hải) và Trường Kỹ thuật và Khoa học căn bản. Đây là cơ sở duy nhất đào tạo kỹ sư và cán sự tại miền Nam lúc bấy giờ.

Sau đó theo Sắc lệnh số 083-SL/GD ngày 30/04/1973 Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức được thành lập. Vào ngày 11/01/1974 với Sắc lệnh số 010-SL/VNGDTN Học viện Quốc gia Kỹ thuật là thành viên Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức với tên Trường Đại học Kỹ thuật. và chỉ đào tạo hệ đại học.

Hệ cán sự chuyển sang trường Đại học chuyên nghiệp trung cấp. Cùng năm 1974 tại Trường Cao đẳng Công chánh thành lập Ban Cao học Thanh hóa (Kỹ thuật môi trường hiện nay).

Thời điểm đó, trong khuôn viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM hiên nay tồn tại hai trường. Ranh giới giữa hai trường được xác định theo hướng từ cổng xưởng C1 nhìn thẳng ra cổng giữa đường Tô Hiến Thành:

+ Phía bên tay phải là khuôn viên của Trường Đại học Kỹ thuật (thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức).

+ Bên phải là khuôn viên của trường Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp (tuyển khóa đầu tiên 1973).

Sau ngày thống nhất 1975, Trường Đại học Kỹ thuật được tạm thời mang tên Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ. Trên cơ sở Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ và nhập một số đơn vị Khoa Công nghệ trường ĐH Chuyên nghiệp Trung cấp thành lập Khoa Cơ khí thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ và văn phòng chuyển từ B4 sang B11 cho đến ngày nay.

Sau 1975 các bộ môn trong khoa Cơ khí bao gồm: Bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Bộ môn Máy chính xác, Bộ môn Nguyên lý Chi tiết máy, Bộ môn Đúc – Luyện kim.

Lúc ban đầu đội ngũ giảng viên và cán bộ công nhân viên gồm 3 nguồn: trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (thuộc Đại học Kỹ thuật Phú Thọ), trường Đại học Chuyên nghiệp trung cấp và từ miền Bắc về. Sau khi tiếp quản, TS. Huỳnh Văn Hoàng, Phó ban quân quản Trường Đại học kỹ thuật Phú Thọ, kiêm Chủ nhiệm khoa Cơ khí. TS. Lê Ngọc Quí và TS. Nguyễn Thiện Tống làm Phó Chủ nhiệm khoa.

Sau này khoa Cơ khí lần lượt tiếp nhận các cán bộ từ Bộ Cơ khí – Luyện kim vào tham gia tiếp quản, trong đó có Thầy Trương Quang Mùi. Cuối năm 1975, Ban quân quản trường có bổ nhiệm lại cán bộ, trong đó có việc cử TS. Trần Hồng Quân làm Chủ nhiệm khoa Cơ khí thay TS. Huỳnh Văn Hoàng.

Theo Quyết định số 426/Ttg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ được mang tên Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Với Quyết định số 1003/QĐ-TC ngày 11/08/1977 Đại học Bách Khoa Tp.HCM bao gồm sáu khoa: Khoa Cơ khí; Khoa Điện; Khoa Xây dựng; Khoa Hóa; Khoa Thủy lợi; Khoa Đào tạo Tại chức.

Năm 1976, TS. Đặng Hữu được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Bộ Đại học quyết định bổ nhiệm TS. Trần Hồng Quân làm Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Cẩn từ Trưởng Phòng Giáo vụ về làm Chủ nhiệm khoa Cơ khí.

 

GS TS Nguyễn Ngọc Cẩn, Trưởng khoa Cơ khí giai đoạn 1976-1978, sau đó được điều động giữ chức vụ Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM. Tiếp đó Thầy Lê Thanh Sính được giao nhiệm vụ Phụ trách khoa Cơ khí.

Theo Quyết định số 1030/QĐ-TC.ĐH ngày 15/09/1978 của Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN tách khoa Cơ khí thành hai khoa: Khoa Cơ khí và khoa Động lực. Khoa Động lực gồm ba Bộ môn: Nhiệt công nghiệp (Cơ lưu chất – Nhiệt), Bộ môn Ô tô và Bộ môn Máy xây dựng – nâng bốc. Theo quyết định số 813/QĐ-CB của Bộ ĐH và THCN, ký ngày 31 tháng 07 năm 1979, bổ nhiệm TS.Trương Minh Vệ làm Chủ nhiệm Khoa Động lực, KS. Trần Văn Khang làm Phó Chủ nhiệm Khoa kiêm Bí thư Đảng ủy Khoa Động lực, sau đó bổ sung KS.Hoàng Đình Tín làm Phó Chủ nhiệm Khoa.

Giai đoạn 1979 – 1981 Thầy Bùi Song Cầu được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Cơ khí.
Sau năm 1981, Khoa Động lực giải thể và sáp nhập trở lại Khoa Cơ khí do GS.TSKH Phạm Phố làm Chủ nhiệm Khoa (1981 – 1986). GS.TSKH Trương Minh Vệ trở về làm Tổ trưởng Bộ môn Máy xây dựng và Bốc xếp. Đến năm 1988, qua cuộc bầu cử trực tiếp Hiệu trưởng lần đầu tiên của trường, GS.TSKH Trương Minh Vệ trở thành Hiệu trưởng cho đến năm 1998.
Công việc giữa các Thầy/Cô được phối hợp rất ăn ý, từ các Chủ nhiệm Khoa như Thầy Nguyễn Ngọc Cẩn, Thầy Trương Minh Vệ, Thầy Bùi Song Cầu, Thầy Phạm Phố… đến Ban Giám hiệu như Hiệu phó TS. Huỳnh Văn Hoàng, Hiệu trưởng TS. Trần Hồng Quân. Các Thầy thường xuống các Bộ môn để lấy ý kiến các Chủ nhiệm bộ môn và các cán bộ chủ chốt về chương trình đào tạo, phối hợp giữa các ngành để làm sao chương trình đào tạo ngắn gọn, hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ các kiến thức nền tảng cho sinh viên. Quy chế học tập ngắn gọn nên Thầy/Cô giáo và sinh viên đều nắm rất rõ.

 

Liên tục từ 1976 – 1998 Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa từ Khoa Cơ khí: GS.TS. Trần Hồng Quân (1976-1982), PGS.TS. Huỳnh Văn Hoàng (1982-1989),, GS.TSKH Trương Minh Vệ (1989-1998).
GS.TS Trần Hồng Quân nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (1987-1990), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990 – 1997).
GS,.TS Nguyễn Ngọc Cẩn nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM từ 1978-1992. Như thế giai đoạn những năm 1980s, 1990s lãnh đạo Bộ và các trường Đại học Kỹ thuật và Công nghệ lớn phía Nam xuất thân từ Cán bộ Giảng dạy Khoa Cơ khí.

Từ năm 1981, Trường Đại học Bách Khoa bắt đầu đào tạo Nghiên cứu sinh (sau Đại học). Năm 1990, Trường mở thêm hệ đào tạo Cao học. Ngành cao học Chế tạo máy là ngành được mở trong thời gian này.

Năm 1986 Thầy Hồ Đắc Thọ được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Cơ khí. Cùng năm 1986, Bộ môn Nhiệt công nghiệp được tách ra khỏi Khoa Cơ khí và trở thành Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới.

Bộ môn Cơ khí chính xác và quang học là một trong những bộ môn của khoa Cơ khí được thành lập năm 1975. Bộ môn đào tạo được những khóa Kỹ sư Cơ khí chính xác. Chủ nhiệm bộ môn là GS TS Nguyễn An Vĩnh. Từ năm 1983 – 1985, trước khi chuyển về công tác thành đoàn, GS. TS Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư thành ủy Tp Hồ Chí Minh)  từng làm giảng viên tại bộ môn này. Đến năm1986, Bộ môn Máy chính xác và Quang học sát nhập vào Bộ môn Chế tạo máy. Cùng năm 1986, Bộ môn Nhiệt công nghiệp được tách ra khỏi Khoa Cơ khí và trở thành Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Nhiệt và Năng lượng mới.

Năm 1989 Bộ môn Đúc –Luyện kim chuyển thành Trung tâm nghiên cứu Vật liệu mới, trực thuộc trường. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, Trung tâm đào tạo và quản lý ngành, giảng dạy lý thuyết và thực hành cho khoa Cơ khí về lĩnh vực Đúc – Nhiệt luyện. Từ 2007, Trung tâm giải thể và sáp nhập vào khoa Công nghệ Vật liệu.

 

Năm 1993 trường Đại học Bách Khoa chuyển sang hệ thống đào tạo theo hệ thống tín chỉ và cùng năm này TS Nguyễn Tuấn Kiệt (nguyên Cựu sinh viên KSCN khóa 8) được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Cơ khí trong đợt bầu cử trực tiếp.

Năm 1994 Phòng thí nghiệm Đo lường được thành lập. Việc xây dựng dự án phòng thí nghiệm đo lường được thực hiện dựa trên cơ sở là dự án phối hợp giữa khoa Cơ khí và công ty Mitutoyo, Nhật Bản.

Vào ngày 12/09/1994, bộ môn Kỹ thuật điều khiển tự động được thành lập theo quyết định số 150/TCBK với ba cán bộ giảng dạy xuất thân từ bộ môn Chế tạo máy: cô Đoàn Thị Minh Trinh, thầy Nguyễn Ngọc Cẩn và thầy Nguyễn Đàm Tấn.

Theo Quyết định số 16/CP ngày 17/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập. Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM trở thành một trong 09 trường thành viên của ĐHQG TP.HCM với tên gọi là Trường Đại học Kỹ thuật.

Phòng thí nghiệm (PTN) CAD/CAM/CNC đã được thành lập vào năm 1996. Thời gian đầu thành lập chỉ có 2 cán bộ kiêm nhiệm từ bộ môn Chế Tạo Máy và Kỹ thuật điều khiển tự động đó là: thầy Nguyễn Văn Chung làm Trưởng phòng và cô Đoàn Thị Minh Trinh làm Phó trưởng phòng.

Từ năm 1998 Thầy Đặng Văn Nghìn giữ chức vụ Trưởng khoa hai nhiệm kỳ liên tiếp (1998-2007). Vào ngày 28/01/1999 với quyết định số 22/TC-ĐHKT, bộ môn Cơ điện tử được hình thành với ba nhân sự đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Giáp (CNBM), thầy Đặng Văn Nghìn và thầy Trần Nguyên Duy Phương.

Ngày 18-10-1999 Trường ra quyết định thành lập Bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp do thầy Hồ Thanh Phong làm Chủ nhiệm bộ môn và các thầy Nguyễn Như Phong, Nguyễn Văn Chung.

Từ năm 1999 Khoa Cơ khí mở 2 ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghệp và Kỹ thuật Cơ điện tử đầu tiên trong cả nước.

Năm 2000, Bộ môn Ô tô và Bộ môn Tàu thủy tách ra khỏi khoa Cơ khí để thành lập khoa Kỹ thuật giao thông cùng với bộ môn Kỹ thuật Hàng không.

Với Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg và Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ngày 12/2/2001 của Thủ tướng Chính phủ, ĐHQG TP.HCM được tổ chức lại chỉ còn 3 trường thành viên, đồng thời Đại học Kỹ thuật được mang lại tên truyền thống của mình là Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG HCM.

Năm 2002 thành lập bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh với đa số cán bộ giảng dạy từ Trung tâm Năng lượng mới.

Sự tồn tại và phát triển đồng thời của bộ môn Kỹ thuật điều khiển tự động và bộ môn Cơ điện tử dẫn đến sự phân chia các nguồn lực đầu tư trong đơn vị. Do đó, vào ngày 06/11/2006, hai bộ môn trên được giải thể. Bộ môn Cơ điện tử được tái thành lập trên cơ sở sáp nhập nhân sự, cơ sở vật chất của hai bộ môn cũ.

Năm 2011 thành lập Không gian học tập CDIO (quyết định chính thức 2016). Năm 2013 thành lập PTN Điều khiển và Tự động hóa thuộc Khoa Cơ khí. Đến năm 2016 PTN Công nghệ tạo hình và xử lý vật liệu được thành lập.

Từ cuối năm 2007 PGS TS Trần Thiên Phúc đảm nhận chức vụ Trưởng khoa. Đến tháng 02/2013 PGS TS Nguyễn Hữu Lộc đảm nhận chức vụ Trưởng khoa cho đến nay là Nhiệm kỳ thứ 2…


ĐÀO TẠO

Trong công tác đào tạo, triết lý đào tạo mỗi giai đoạn, quyết định mục tiêu và nội dung đào tạo. Từ cơ sở đó xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Với lịch sử 60 năm khoa Cơ khí, theo chiến lược chung của nhà trường, có thể chia làm 6 giai đoạn:

  1. Từ khi thành lập đến giữa những năm 1960: Giảng viên người Pháp hoặc Việt Nam được đào tạo từ Pháp. Chương trình đào tạo 4 năm theo chương trình Pháp và đào tạo theo ngành rộng. Người Kỹ sư Công nghệ có nhiều kiến thức chuyên môn khác nhau, dễ thích ứng cho nhiều môi trường làm việc. Khi ra trường có thể tự giải quyết được các vấn đề thuộc phạm vi kỹ thuật sản xuất đa ngành, có khả năng về tổ chức, điều hành, quản lý một đơn vị độc lập hoặc làm việc nhóm.
  2. Từ giữa những năm 1960 đến 1975: Sau khi nhiều Giảng viên được đào tạo từ Mỹ về, tài liệu, chương trình và phương pháp ảnh hưởng hệ thống đào tạo Mỹ. Đến năm 1974 thành lập Viện Bách Khoa Thủ Đức theo mô hình Mỹ, với thành viên là Trường Đại học Kỹ thuật và đào tạo theo hệ thống tín chỉ Mỹ. Chương trình đào tạo 4 năm theo ngành rộng.
    3. Từ 1975 – 1980: giai đoạn chuyển tiếp giữa môn hình Mỹ và mô hình Châu Âu (Liên Xô). Chương trình đạo tạo niên chế 4 năm (ngoại trừ năm 1979 là 4,5 năm).
    4. Từ 1981-1992: đào tạo theo mô hình Châu Âu: Sinh viên được đào tạo cơ sở lý thuyết trên lãnh vực rộng, nắm vững chuyên môn chuyên ngành sâu, đặc biệt có khả năng tự học hỏi để làm việc, khả năng tự chuyển đổi để thích nghi với nghề nghiệp. Chương trình đào tạo chuyển từ 4 năm sang 5 năm cho bậc kỹ sư.
  3. Từ 1993-2013: Trường áp dụng hệ thống tín chỉ Mỹ với chương trình đào tạo 4,5 năm (khoảng 156 tín chỉ) theo chuyên ngành rộng.
  4. Từ 2014 đến nay: Theo hệ thống tín chỉ Mỹ với chương trình đào tạo Kỹ sư 142 tín chỉ, áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO, ngoài kiến thức chú trọng đến rèn luyên kỹ năng, thái độ và năng lực giải quyết vấn đề. Định hướng kiềm định quốc tế (AUN-QA, ABET)…

Trước 1975, Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ đào tạo Kỹ sư Công nghệ các ngành liên quan Cơ khí, đúc luyện kim, kỹ nghệ sắt, ô tô …người Kỹ sư công nghệ phải có mặt trong hầu hết các ngành công nghiệp mũi nhọn trong nước như: Sản xuất điện, Thủy điện; Công nghệ Dệt, Sợi, May mặc; Công nghệ sản xuất Đường, Giấy, Xi măng, Thủy tinh, Dược phẩm; Cơ khí, Đường sắt, Ô tô…

Kỹ sư Công nghệ sau khi ra trường làm việc trong nước ở nhiều vị trí làm việc khác nhau: tham gia trực tiếp sản xuất, quản lý, điều hành, nghiên cứu, giảng dạy, lãnh đạo,… Một số Kỹ sư công nghệ tiếp tục học tập lên cao hoặc đi du học, khi tốt nghiệp nhận các nhiệm vụ cao hơn, có người trở về trường làm cán bộ giảng dạy.

Chương trình giảng dạy được ghi trong các bản Học chế của trường, thường được chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu xã hội và mặt bằng kỹ thuật đương thời. Trong đó vẫn áp dụng tinh thần đào tạo theo ngành rộng.

Sau 1975 sinh viên Khoa Cơ khí chiếm 1/3 tổng số sinh viên trường Đại học Bách khoa. Đào tạo và cấp bằng Kỹ sư Cơ khí. Ngoài ra, số sinh viên trường Đại học Chuyên nghiệp trung cấp được chuyển sang hệ đào tạo Cao đẳng và tiếp tục học đến khi ra trường.

Từ năm 1998 với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội Khoa Cơ khí là nới đầu tiên trong cả nước đào tạo các ngành đào tạo đại học và cao học Cơ điện tử và Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp. Ngành Cơ khí dêt may trở thành ngành rộng hơn là Kỹ thuật dệt may, sau đó theo danh mục mã ngành Bộ GD và ĐT thì tách ra thành Công nghệ may và Kỹ thuật Dệt. Ngành Cơ khí Năng lượng từ giữa những năm 2000 thay đổi thành ngành Kỹ thuật Nhiệt (với chuyên ngành Kỹ thuật Nhiệt lạnh).

Sự phát triển của Khoa Cơ khí có phần đóng góp rất lớn Công đoàn Khoa, đặc biệt là Chủ tịch Công đoàn Khoa qua các thời kỳ.


TUYỂN SINH VÀ CẤP BẰNG

Trường Quốc gia Kỹ sư công nghệ tuyển sinh từ trình độ Tú tài 2 Ban Toán và Tú tài Kỹ thuật.. Ngoài các môn Lý, Hóa, thí sinh phải thi 4 môn Toán là: Đại số, Hình học, Lượng giác, Số học… theo chương trình các môn Toán của Tú tài II. Cho đến năm 1956, tại miền Nam Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ là trường Đại học đầu tiên đào tạo Kỹ sư với chương trình đào tạo 4 năm.
Vào năm 1960 khóa đầu tiên Kỹ sư Công nghệ tốt nghiệp, và năm 1961 được cấp bằng Kỹ sư và đây là bằng Kỹ sư đầu tiên của miền Nam theo chương trình 4 năm. Trên bằng có 3 chữ ký:

– Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục

– Giám đốc Học viện Quốc gia Kỹ thuật

– Giám đốc Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ

Qua 19 năm, có 19 khóa, đón nhận hơn 700 sinh viên. Đến 1975, đã có 16 khóa, với 460 Kỹ sư Công nghệ tốt nghiệp. Ba khóa còn lại (mỗi khóa khoảng 80 người) sau 1975 có vài thay đổi trong chương trình dạy và học, khi tốt nghiệp mang tên Kỹ sư Cơ khí. Những khóa từ 1975 mới theo đầy đủ chương trình đào tạo của khoa Cơ khí. Những năm đầu khoa Cơ khí chia thành 2 hệ: ACK và BCK.

Được đào tạo theo ngành rộng, người Kỹ sư công nghệ khi ra trường nhanh chóng hòa mình vào nhiều ngành nghề sản xuất, công nghiệp, trong nước cả trước và sau 1975.
Trường Đại học Bách Khoa những năm đầu sau 1975 tuyển sinh khá ít, toàn trường chỉ tuyển khoảng 400 sinh viên/năm với hệ đào tạo Chính quy, thời gian đào tạo 4 năm. Mỗi ngành chỉ có từ 16 – 20 sinh viên/lớp.

Thời gian chương trình đào tạo:

+ 1956-1978: Chương trình đào tạo 4 năm
+ 1979: Chương trình đào tạo 4,5 năm
+ 1980: Chương trình đào tạo 4 năm
+ 1981-1992: Chương trình đào tạo 5 năm
+ 1993 đến 2014: Hệ thống tín chỉ Mỹ theo khung chương trình đào tạo 4,5 năm
+ Từ 2014: Hệ thống tín chỉ Mỹ theo khung chương trình đào tạo 4 năm (142 tín chỉ)

Sau 1975 Bằng đại học có tên gọi là Bằng Kỹ sư Cơ khí. Và hiện nay với 7 ngành đào tạo với 7 Bằng cấp Kỹ sư khác nhau: Kỹ sư Cơ khí, Kỹ sư Cơ điện tử, Kỹ sư nhiệt, Kỹ sư Hệ thống công nghiệp, Kỹ sư Dệt, Kỹ sư công nghệ dệt. may, Kỹ sư Logistics và QL CCU…

CÁN BỘ GIẢNG DẠY VÀ TỔ CHỨC

Khi mới thành lập từ 1956 CBGD là GS Pháp và GS Việt Nam tốt nghiệp từ Pháp, đến giữa những năm năm 1960 đa số tốt nghiệp từ Mỹ, Canada. Một số cựu sinh viên Kỹ sư Công nghệ sau khi tốt nghiệp tiếp tục đi du học nước ngoài và sau đó trở thành Cán bộ giảng dạy và Lãnh đạo của trường, ví dụ TS Đào Kim, GS TS Trần Kiêm Cảnh… những năm sau này là Giám đốc Trường.

Vào giai đoạn 1973-1974 tổng số Ban giảng huấn là 23, trong đó có 4 Tiến sĩ và đa số được đào tạo sau đại học ở Mỹ. Ngoài ra còn có 15 Nhân viên phụ giảng (Giảng dạy thực hành).

Sau ngày thống nhất 1975, đội ngũ giảng viên và cán bộ công nhân viên gồm 3 nguồn: trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (thuộc Đại học Kỹ thuật Phú Thọ), trường Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp và từ miền Bắc về.

Hiện nay Khoa Cơ khí có hơn 100 Cán bộ giảng dạy với gần 20 GS, PGS, hơn 50 Tiến Sĩ được đào tạo từ nhiều Quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

KHOA VÀ CÁC BỘ MÔN
Và hiện trạng khoa Cơ khí phát triển cho đến ngày nay, bao gồm:
+ 8 Bộ môn và 01 Ban giảng dạy thực hành
Bộ môn Thiết kế máy
Bộ môn Chế tạo máy
Bộ môn Thiết bị và Công nghệ vật liệu
Bộ môn Cơ điện tử
Bộ môn Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp
Bộ môn Kỹ thuật máy xây dựng và nâng chuyển
Bộ môn Kỹ thuật dệt may
Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh
Ban Giảng dạy thực hành

+ 6 phòng thí nghiệm và xưởng
PTN Đo lường
PTN CAD/CAM
PTN Điều khiển và tự động hóa
PTN Công nghệ tạo hình và xử lý vật liệu
Không gian học tập CDIO
Xưởng Cơ khí C1

CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO HIỆN NAY

HỆ ĐẠI HỌC:
Bao gồm 7 ngành đào tạo:
1. Ngành Kỹ Thuật Cơ khí (Kỹ sư Cơ khí) bao gồm 3 chuyên ngành:
– Kỹ thuật Chế tạo
– Kỹ thuật Thiết kế
– Kỹ thuật Máy xây dựng và Nâng chuyển:
2. Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (Kỹ sư Cơ điện tử)
3. Ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp
4. Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
5. Ngành Kỹ Thuật Dệt (Kỹ sư Dệt)
6. Ngành Công nghệ dệt, may (Kỹ sư Công nghệ dệt, may)
7. Ngành Kỹ Thuật Nhiệt (Chuyên ngành Kỹ thuật Nhiệt lạnh, Kỹ sư Nhiệt)

Sinh viên có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất Việt Nam với các ngành liên quan.

SAU ĐẠI HỌC
Các ngành đào tạo cấp thạc sỹ:
1. Kỹ thuật Cơ khí, gồm các định hướng:
– Kỹ thuật chế tạo
– Kỹ thuật tạo hình vật liệu
– Kỹ thuật máy và thiết bị xây dựng nâng chuyển.
– Kỹ thuật thiết kế
2. Kỹ thuật nhiệt
3. Kỹ thuật công nghiệp
4. Kỹ thuật Cơ điện tử

  1. Công nghệ dệt, may

Các ngành đào tạo Tiến sĩ:
1. Kỹ thuật Cơ khí, gồm các định hướng:
– Kỹ thuật chế tạo
– Kỹ thuật tạo hình vật liệu
– Kỹ thuật máy và thiết bị xây dựng nâng chuyển.
– Kỹ thuật Cơ Điện Tử
– Kỹ thuật thiết kế
2. Kỹ thuật nhiệt

  1. Công nghệ dệt, may

Ngoài ra hệ đại học có các chương trình đặc biệt:
– Chương trình chất lượng cao PFIEV (Việt Pháp) ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (20 sinh viên/năm), đạt Kiểm định CTI EUR-ACE năm 2011-2016 và 2016-2022..
– Chương trình Kỹ sư tài năng: ngành Kỹ thuật Cơ khí (30 sinh viên/năm) và Kỹ thuật Cơ điện tử (30 sinh viên/năm)
– Chương trình liên kết Quốc tế ngành Cơ điện tử với trường UTS (University of Technology Sydney), Úc (45 sinh viên/năm)
– Chương trình Chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh cho 2 ngành Kỹ thuật Cơ khí và Kỹ thuật Cơ điện tử, bắt đầu từ 2014, mỗi chương trình nhận 50 sinh viên/ năm.
Hệ tiến sĩ có Chương trình 911 liên kết với Griffith University ngành Kỹ thuật Cơ khí.

Trong những năm gần đây khoa đã mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, trong và ngoài nước… để trao đổi, nâng cao trình độ cán bộ, năng lực đào tạo của khoa và đang triển khai thí điểm đề án ”Triển khai thí điểm mô hình CDIO cho chương trình Kỹ thuật Cơ khí và nhân rộng cho các chương trình khác”.

Chương trình PFIEV (Việt Pháp) ngành Kỹ thuật Cơ điện tử Kiểm định Châu Âu EUR-ACE (CTI) từ năm 2011. Ngành Kỹ thuật Cơ khí (Chương trình Kỹ thuật chế tạo) đạt kiểm định AUN-QA năm 2011, ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp đạt kiểm định AUN-QA năm 2015, ngành Kỹ thuật Nhi ệt đạt kiểm định AUN-QA năm 2018. Theo kế hoạch được phê duyệt thì 02 ngành Khoa Cơ khí là Kỹ thuật Cơ khí và Kỹ thuật Cơ điện tử chuẩn bị kiểm định ABET (Mỹ). Kỹ thuật nhiệt sẽ được Kiểm định AUN-QA vào 2017. Kỹ thuật dệt và Công nghệ may – sẽ được Kiểm định AUN-QA.

Khoa Cơ khí là 01 trong 12 khoa và đơn vị trong trường được Tổ chức BSI (Anh) cấp chứng nhận ISO 1900-2008 (nay là 1900-2015) về Quản lý và Đào tạo từ 2014.

Trường Đại học Bách Khoa TPHCM và Đại học Bách Khoa Hà Nội la 2 thành viên của Việt Nam trong Mạng lưới AUN/SEED-Net (Mạng lưới Phát triển Giáo dục Kỹ thuật Đông Nam Á), là mạng lưới các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Đông Nam Á do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cùng với sự hỗ trợ về mặt học thuật và nghiên cứu của các trường Đại học Kỹ thuật Nhật Bản.

Khoa Cơ khí được Nhà nước Tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 02 lần được Thủ tướng Tặng Bằng khen.

Khoa Cơ Khí tự hào về Cưu sinh viên: Anh Nguyễn Bá Dương, cựu sinh viên khóa 1978, CT HĐ Quản Trị Thaco, Tỷ Phú (USD) thứ ba của Việt Nam, Cty được đánh giá Cty Tư nhân tốt nhất Việt Nam 2017. Anh Phan Văn Sáu, Cựu sinh viên Khóa 1977, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh Sóc Trăng (trước đó Tổng Thanh Tra Chính Phủ). Trẻ hơn có anh Trần Lưu Quang, cựu sinh viên 1986, UVTW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh… Rất nhiều nhà Khoa học, Nhà giáo, Nhà quản lý, Chủ doanh nghiệp … đang rất thành công hiện nay là Cưu sinh viên Khoa Cơ khí…

Mọi gó ý, trao đổi bổ sung xin gửi về theo địa chỉ:

  • Văn phòng khoa Cơ Khí – Đại học Bách Khoa: 268 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP.HCM;
  • Tel: + 84-8-38654.535 / + 84-8-38647.256 Ext 5886
  • Email: vpkck@hcmut.edu.vn
  • Website: www.fme.hcmut.edu.vn