NGND PGS. TS Huỳnh Văn Hoàng đã ra đi vào tối ngày 01/05/2024 hưởng thọ 88 tuổi, trọn 49 năm tính từ ngày 02/05/1975 Thầy vào Sài Gòn trong đoàn tiếp quản các Trường Đại học ở Sài Gòn.
NGND PGS.TS Huỳnh Văn Hoàng sinh năm 1937 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Năm 1954, mới 17 tuổi Thầy tập kết ra Bắc, học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó tiếp tục học và Nghiên cứu sinh ngành Cơ khí tại Liên Xô cũ và về nước giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) trong khoảng thời gian 10 năm với chức vụ sau cùng Phó Chủ nhiệm khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Vào ngày 02/05/1975 Thầy có mặt tại Sài Gòn và là Phó đoàn cán bộ của Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp nhận lệnh vào tiếp quản các trường ĐH và THCN ở Sài Gòn. Sau đó là Phó ban phụ trách Trường Đại học kỹ thuật (hay gọi là Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ và là Trường Đại học Bách khoa ngày nay) với MSCB 02 (Thầy Đặng Hữu là Trưởng ban Phụ trách với MSCB 01), đồng thời Phụ trách khoa Cơ khí và khoa Hàng hải. Và NGND PGS.TS ghi nhận là Trưởng khoa Cơ khí đầu tiên sau 30/04/1975.
Sau tháng 4/1977 thầy là Phó Hiệu trưởng (sau khi Quyết định 84/CP ngày 02/04/1977 của Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm Thầy Trần Hồng Quân làm Hiệu trưởng), từ 01/1983 Thầy là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho đến cuối năm 1989.
Sau đó Thầy tiếp tục công tác tại khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa, là Trưởng Bộ môn Cơ giới hóa xí nghiệp và xây dựng (nay là BM Kỹ thuật máy xây dựng và nâng chuyển) đến cuối năm 1998 thì về hưu.
Sau về hưu tiếp tục công tác ngành giáo dục là Hiệu trưởng các Trường Đại học Bình Dương và Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (tỉnh Đồng Nai) và các Hiệp hội nghề nghiệp.
Gần 25 năm Thầy gắn bó với Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, luôn nhớ rõ từng sự kiện lịch sử Trường, có đóng góp rất lớn trong giai đoạn phát triển Trường Đại học Bách khoa sau 1975. NGND PGS TS Huỳnh Văn Hoàng được biết đến là người thầy tâm đức, cả đời luôn hết mình vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sống tình cảm hòa đồng và dành nhiều quan tâm đồng nghiệp và sinh viên trong trường.
..
Vô cùng thương tiếc và xin thành thật chia buồn cùng Cô Mận và Gia đình Thầy.
….
Sau đây xin giới thiệu lời kể của Thầy 2 năm trước về nhừng ngày đầu tiên vào Sài Gòn: “Hôm nay 29-4. Nhớ lại ngày này 47 năm trước, 29-4-1975, buổi sáng sớm, Hà Nội có trận mưa rất to. Khoảng 5 giờ sáng, một chiếc xe của Bộ cùng đoàn cán bộ đi B đến nhà tôi, chở tôi ra sân bay Gia Lâm.
Đoàn cán bộ gồm có: thứ trưởng Lê Văn Giạng, các anh Đặng Hữu, Nguyễn Tấn Lập, Phan Hữu Dật, Nguyễn Hữu Chí, tôi và anh Nguyễn Minh Thành, thư ký thứ trưởng cùng đi chuyến bay đó. Lần đầu tiên trong đời và cũng là lần cuối cùng tôi là người xếp ba lô của đoàn vào khoang hành lý của chiếc máy bay IL18! Máy bay bay đến Đà Nẵng, chờ tin giải phóng miền Nam.
Tối 29-4-1975 chúng tôi ngủ ở Đà Nẵng. Trước đó, Ban Tổ chức TƯ triệu tập mỗi Bộ một số người từ ngày 20-4-1975 tập trung tại trường Nguyễn Ái Quốc học chính trị về tiếp quản miền Nam. Ngày 28-4-1975 lớp kết thúc khoá học. Ngày 29-5-1975, đoàn cán bộ đi tiếp quản bay vào miền Nam! Mai xin phép kể tiếp.
Xin nói thêm về đoàn cán bộ của Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp nhận lệnh vào tiếp quản các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở Sài Gòn: Trưởng đoàn, thứ trưởng Lê Văn Giạng; Phó đoàn: Nguyễn Tấn Lập và Huỳnh Văn Hoàng; Đặng Hữu, Phần Hữu Dật, Nguyễn Hữu Chí. Anh Nguyễn Tấn Lập sau là Hiệu trưởng trường ĐHKT TP. HCM (đã mất), anh Đặng Hữu làm Hiệu trưởng trường ĐHBK TP.HCM, rồi Thứ trưởng Bộ ĐH và THCN, Bộ trưởng Bộ Kh&CN, Trưởng ban Khoa giáo TƯ; anh Phan Hữu Dật làm HT trường ĐH tổng hợp HN, anh Nguyễn Hữu Chí làm trưởng ban quân quản trường Đại học Sài Gòn ( gồm ĐH khoa tự nhiên và ĐH khoa học nhân văn hiện nay), sau làm Bí thư ĐU ĐH KHTN, Phó HT(đã mất).Sáng 30-4-1975, cả đoàn cán bộ, ngành được giao nhiệm vụ vào tiếp quản Sài Gòn từ Đà Nẵng lên máy bay bay về phía Nam. Trên đường ra sân bay, đoàn được tin đã giải phóng Sài Gòn. Niềm vui khôn xiết. Đoàn tin rằng máy bay sẽ đáp xuống Tân Sơn nhứt. Trên đường bay, đoàn được thông báo không được đáp xuống sân bay Tân Sơn nhứt, vì ở sân bay rất hỗn loạn, xe cộ nằm rải rác trên đường băng. Theo chỉ thị , đoàn đáp xuống sân bay Thành Sơn ở Ninh Thuận. Vì chờ việc dọn sạch sân bay TSN nên đoàn ngồi chờ dưới bóng mái cánh máy bay, không được đi ca máy bay. Nóng ơi là nóng, nhưng mọi người rất phấn khởi và háo hức. Ở đây, chúng tôi còn thấy vũ khí và máu ở sàn máy bay trực thăng. Tại đây, chúng tôi được sống trong niềm vui dư âm của đoàn 5 máy bay A37 của ta bay vào SG ném bom sân bay TSN. Chờ đến chiều, thông tin là không thể đáp xuống sân bay TSN. Thế là tối 30-4-1975 cả đoàn chúng tôi vào ngủ tại trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận hiện nay. Tuy mới được giải phóng, còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Ninh Thuận cũng bố trí 1 đoàn xe sáng sớm ngày 1-5-1975 chở chúng tôi vào SG. Đường số một lúc đó rất khó đi. Các cầu trên đường gần như bị hư hết. Khi đến cầu, các xe phải chạy xuống, băng qua lòng sông. May là còn mùa khô, các lòng sông đã rất cạn. Đến chiều tối, đoàn mới đến TP. Biên Hoà. Do lạ, chưa biết an ninh ở SG ra sao, nên đoàn quyết định ngủ lại tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai hiện nay.Sáng sớm ngày 2-5-1975 đoàn vào SG, đến dinh thủ tướng chế độ cũ trên đường Norodom( gần thảo cầm viên trên đường Lê Duẩn hiện nay). Tại đây, đoàn của Bộ ĐH&THCN được phân công vào tiếp quản Bộ giáo dục cũ. Thế là chúng tôi đến 70 Lê Thánh Tôn ( sau giải phóng được phân công là trụ sở Sở GĐ TP. HCM), tiếp quản Bộ GĐ. Ở đây, chúng tôi cùng các đồng chí ở R ra cùng tiếp quản Bộ. Ban ngày làm việc, ban đêm chúng tôi ngủ dưới sàn đất văn phòng Bộ, còn ăn uống thì chủ yếu là ăn lương khô. Vì quy định, và vì không có tiền . Mấy ngày sau, chúng tôi về số 3 công trường quốc tế, chỗ Hồ con rùa, nay là văn phòng của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHCM. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản tất cả các trường, lập danh sách đội ngũ giảng viên, cbcnv, sv, csvc ; tổ chức lại bộ máy lãnh đạo các trường… Nói chung là rất nhiều việc. Được đội ngũ gv, cbcnv, sv cũ giúp sức và được bổ sung đội ngũ giáo viên từ miền Bắc vào, mọi việc đã dần đi vào ổn định”.
….
Thông tin tang lễ:
Lễ viếng NGND PGS. TS Huỳnh Văn Hoàng từ 7h30 thứ bảy ngày 4/5 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM); lễ truy điệu diễn ra lúc 14h30 ngày chủ nhật 5/5.