Cảnh báo trường hợp giả mạo thông báo nhập học chương trình Liên kết Quốc tế

Cảnh báo trường hợp giả mạo thông báo nhập học chương trình Liên kết Quốc tế

Thời gian gần đây, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) nhận được phản ánh của phụ huynh về việc giả mạo thông báo nhập học các chương trình Liên kết Quốc tế.

Tuần qua, từ 22-26/10/2018, Trường Đại học Bách khoa nói chung và Văn phòng Đào tạo Quốc tế (đơn vị quản lý các chương trình Liên kết Quốc tế của trường) nói riêng liên tục nhận được phản ánh của phụ huynh/ sinh viên (PH/ SV) về việc nhận được các thông báo học bổng và nhập học chương trình Liên kết Quốc tế (LKQT) tại các trường ĐH đối tác Úc, Mỹ.

Có ba loại văn bản được gởi đến PH/ SV:

  • Thông báo v/v Nộp học phí tham gia chương trình LKQT tại Trường ĐH Quốc gia TP.HCM và University of Queensland/ Macquarie University/ University of Illinois Springfield (thông báo SV được xét duyệt học bổng 100% Giai đoạn 1 tại Trường ĐH Bách khoa và 70% Giai đoạn 2 tại trường ĐH đối tác)
  • Văn bản xác nhận và cam kết (SV cam kết hiểu rõ chương trình và phải đóng phần học phí 30% còn lại, tương đương hơn 180 triệu đồng)
  • Enrollment Program Waiver (mô phỏng một loại giấy chứng nhận miễn giảm học phí dự tuyển)

 

Các văn bản giả mạo của đối tượng lừa đảo – Hình: PH/ SV cung cấp

Cách thức hoạt động của đối tượng này là gởi các văn bản trên cho PH/ SV, gọi điện thoại thông báo/ yêu cầu chuyển học phí (30% còn lại, tương đương hơn 180 triệu đồng). Sau khi PH/ SV chuyển tiền xong thì điện thoại của đối tượng không liên lạc được.

Điểm chung của các văn bản trên là mắc nhiều lỗi chính tả/ văn phạm tiếng Việt và Anh; mập mờ tên gọi chung ĐHQG-HCM mà không nêu rõ chương trình LKQT của trường thành viên nào; một số văn bản ghi sai tên hiệu trưởng đương nhiệm; mặt khác, trường ĐH đối tác cũng không có loại giấy chứng nhận nào gọi là “miễn giảm học phí dự tuyển”…

Qua xác minh, Trường Đại học Bách khoa và Văn phòng Đào tạo Quốc tế khẳng định, nhà trường và văn phòng không ban hành bất kỳ văn bản nào như trên, cũng không chủ trương thu học phí SV thông qua tài khoản cá nhân. Đây là hành vi giả mạo giấy tờ nhằm lừa đảo tiền bạc của quý PH/ SV, cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường.

Các văn bản giả mạo của đối tượng lừa đảo – Hình: PH/ SV cung cấp

Để đảm bảo quyền lợi của mình, quý PH/ SV không chuyển tiền cho đối tượng và liên hệ ngay với Trường Đại học Bách khoa khi gặp những trường hợp lừa đảo tương tự để được hỗ trợ kịp thời:

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) – Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP)

Địa chỉ: Kiosk OISP, Khu B2, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: (028) 7300.4183 – 03.9798.9798

E-mail: oisp@hcmut.edu.vn

Sau đây là toàn văn chi tiết thông báo của Trường Đại học Bách khoa về vụ việc.

THÔNG TIN THÊM VỀ CHƯƠNG TRÌNH LKQT – TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA

1. QUY TRÌNH TUYỂN SINH

  • Giai đoạn 1: Xem điều kiện xét tuyển 2018 tại đây
  • Giai đoạn 2

Chuyển tiếp sang trường ĐH đối tác Úc

✔ B1: SV nộp hồ sơ nhập học sang trường ĐH đối tác

✔ B2: Trường ĐH đối tác xét hồ sơ và gửi lại Thư mời Nhập học (Offer Letter)

✔ B3: SV đóng tiền đặt cọc và bảo hiểm y tế, ký tên vào Offer Letter để xác nhận. Ở bước này, SV liên hệ Bộ phận Chuyển tiếp (Văn phòng Đào tạo Quốc tế) để được hướng dẫn các thủ tục chuyển tiền. Ngân hàng nhận tiền phải được ủy quyền từ trường ĐH đối tác, thông thường là Western Union hoặc Flywire.

✔ B4: Gửi biên lai chuyển tiền và Offer Letter đã ký sang trường ĐH đối tác

✔ B5: Trường ĐH đối tác gửi Xác nhận Nhập học (Confirmation of Enrollment)

✔ B6: SV chuẩn bị làm visa

Chuyển tiếp sang trường ĐH đối tác Mỹ

✔ B1: SV nộp hồ sơ nhập học sang trường ĐH đối tác

✔ B2: Trường ĐH đối tác xét hồ sơ và gửi lại I-20

✔ B3: SV khai DS-160, đóng tiền và đặt lịch phỏng vấn

✔ B4: Phỏng vấn

Tất cả các bước nêu trên, SV chương trình LKQT đều thực hiện tại Bộ phận Chuyển tiếp – Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Bách khoa.

2. HỌC BỔNG, HỌC PHÍ

Trừ học bổng chính phủ, chưa có trường hợp nào được cấp học bổng 70% từ trường ĐH đối tác. Cũng chưa có trường hợp nào nhận học bổng về bảo hiểm y tế, vé máy bay, nhà ở…

  • Đối với Úc: Học bổng được trừ vào học phí khi SV qua Úc nhập học. Nghĩa là SV sẽ đóng các khoản đặt cọc/ học phí, bảo hiểm y tế trước khi qua Úc, nhập học tại Úc xong thì mới áp dụng học bổng. Trừ Trường ĐH Macquarie: học bổng được giảm thẳng vào tiền đặt cọc do SV phải đặt cọc trước học phí một học kỳ.
  • Đối với Mỹ: Vì rủi ro về visa nên hầu như không có trường nào yêu cầu đóng học phí trước khi qua Mỹ

P. CTCT – SV (nguồn VP. Đào tạo Quốc tế)