CỰU SV CƠ ĐIỆN TỬ BK: CẬU BÉ ‘SUÝT ĐỐT NHÀ’ TRỞ THÀNH GIẢNG VIÊN TẠI CHÂU ÂU

Nhờ say mê cơ khí, máy móc đến mức suýt gây hỏa hoạn khi thực hành, Ngọc Thịnh từng bước chinh phục khoa học để gặt hái thành công tại Pháp và Đức.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, giành học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Pháp, Nguyễn Ngọc Thịnh, 28 tuổi, hiện giảng dạy, nghiên cứu tại khoa Robotics, Đại học Luebeck, Đức.

Thịnh say mê cơ khí, kỹ thuật từ khi còn bé. Chàng trai TP HCM có thể dành hàng giờ để mày mò cách vận hành của nhiều thiết bị. Có lần, cậu sửa một chiếc máy biến áp mà quên ngắt điện. Máy biến áp nổ, cháy xém một phần, còn Thịnh “suýt đốt nhà”.

Thời phổ thông, Thịnh luôn duy trì kết quả học tập ấn tượng, thường xuyên góp mặt trong top đầu lớp với hàng loạt giải thưởng cấp quận, thành phố. Anh thi đỗ cả Đại học Y dược TP HCM và Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). Vì đam mê cơ khí và có định hướng ngay từ sớm, Thịnh quyết định theo học Bách khoa, chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV).

Thời điểm đó, Thịnh chỉ nghĩ sẽ cố gắng học, tốt nghiệp và tìm một công việc tốt trong thành phố, chứ “chuyện du học không xuất hiện nhiều trong đầu”. “Theo thời gian, năm nào cũng thấy các tiền bối du học, mình cũng bắt đầu mơ ước”, anh nhớ lại.

Nguyễn Ngọc Thịnh, cựu sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, hiện là chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Đại học Luebeck, Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Ngọc Thịnh, cựu sinh viên Cơ Điện Tử, hiện là chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Đại học Luebeck, Đức

Vì chương trình Thịnh học liên kết với Đại học Bách khoa Grenoble, anh cũng được các giáo sư Pháp trực tiếp giảng dạy. Nhận thấy tiềm năng của cậu sinh viên, các giáo sư đề nghị anh nộp hồ sơ cho học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu và trường Grenoble sẽ đóng vai trò đỡ đầu, đảm bảo nhận Thịnh nếu anh trúng học bổng. Ước mơ du học của Thịnh trở thành hiện thực vào đầu năm 2016. “Lần đầu tiên đi máy bay của mình không ngờ lại có điểm đến xa như vậy”, anh bày tỏ.

Theo kế hoạch, Ngọc Thịnh sẽ ở Đại học Bách khoa Grenoble, Pháp, một năm để hoàn thành luận văn tốt nghiệp, sau đó lấy hai bằng kỹ sư từ cả hai trường Bách khoa TP HCM và Grenoble. Anh tự nhủ “thời gian du học của mình không thể chỉ kéo dài một năm”, nên ngay trong lúc làm luận văn, chàng trai sinh năm 1993 đã tìm kiếm các học bổng tiến sĩ. Cảm thấy hứng thú với học bổng nghiên cứu sau đại học của Pháp, anh mạnh dạn làm hồ sơ.

Tuy nhiên, một trong những tiêu chí bắt buộc là ứng viên phải có bằng kỹ sư mà lúc đó, Thịnh chưa tốt nghiệp. Từ Pháp, anh phải liên lạc với Đại học Bách khoa TP HCM để xin xác nhận bảng điểm, giấy chứng nhận thành tích và thư giới thiệu từ các thầy cô, đảm bảo rằng anh có đủ năng lực tốt nghiệp. Nhờ vậy, ban tuyển sinh mới chấp nhận xem xét hồ sơ của Thịnh.

Sau đó, nhờ có thêm thành tích là sinh viên giỏi, đứng thứ hai trong số hơn 600 sinh viên khoa Cơ khí, Thịnh vượt lên các ứng viên khác, giành học bổng tiến sĩ toàn phần về điều khiển tự động.

Cùng năm, Đại học Bách khoa TP HCM cũng công bố kết quả tốt nghiệp. Thịnh đứng đầu khóa, đạt Huy chương vàng, nghĩa là không trượt môn nào trong suốt quá trình học, luận văn trên 8,5 và điểm trung bình cả khóa không dưới 8. Trong cùng năm 2016, Thịnh tốt nghiệp thủ khoa Đại học, liên tiếp giành hai học bổng thạc sĩ và tiến sĩ danh giá tại châu Âu, điều mà trước kia anh “chỉ dám mơ”.

Ngọc Thịnh chụp cùng ba trong ngày tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách Khoa TPHCM, được trường trao tặng Huy chương vàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Thịnh chụp cùng ba trong ngày tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM và nhận Huy chương vàng. tốt nghiệp thủ khoa

Với đề tài nghiên cứu về bộ điều khiển phi tuyến cho máy bay không người lái, Ngọc Thịnh tiếp tục chọn Đại học Bách khoa Grenoble để hoàn thành chương trình tiến sĩ. Trong ba năm nghiên cứu, giai đoạn khó khăn xảy đến với Thịnh là khi anh bị từ chối bài báo khoa học.

Anh gửi bài báo tới một hội nghị chuyên ngành điều khiển dự báo. Bài của anh không được đánh giá cao và chỉ xuất hiện một góc ở poster hội nghị thay vì được xuất bản và công bố rộng rãi. “Đó là cú sốc lớn vì mình khá tự tin về những đóng góp và tính chính xác của nghiên cứu. Mình rất buồn và cảm thấy hoài nghi bản thân”, anh nhớ lại. Nếu không đạt đủ công bố khoa học chất lượng, Thịnh sẽ không thể hoàn thành chương trình tiến sĩ đúng thời hạn.

Không từ bỏ, Thịnh làm thêm một số thí nghiệm để làm dày dặn số liệu nghiên cứu, sau đó gửi công trình tới hội nghị Điều khiển tự động tại Mỹ (American Control Conference 2019). Khi nhận tin nghiên cứu của mình được xuất bản, anh tự tin hơn và cho rằng “những gì mình viết có thể đã gặp phải người không đánh giá chính xác”.

Cuối năm 2019, ngày anh bảo vệ nghiên cứu tiến sĩ, Pháp gặp bão lớn. Nhiều giáo sư trong hội đồng đánh giá, phản biện không thể góp mặt vì các chuyến bay đều bị hủy. Do đó, lần đầu tiên trong nhiều năm tại Đại học Grenoble, nghiên cứu sinh phải bảo vệ đề tài trực tuyến. “Đặt trong bối cảnh Covid-19 hiện tại, việc dạy và học online đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, với mình lúc đó, mọi thứ đều mới mẻ nên rất lo lắng”, anh kể.

Sau hai tiếng thuyết trình và phản biện, đề tài của Thịnh được đánh giá xuất sắc, nhận nhiều lời khen từ các giáo sư. Năm đó, anh mới 26 tuổi, cũng là người trẻ nhất khóa đạt học vị tiến sĩ.

Nhận lời mời giảng dạy trong một đại học ở thủ đô Paris, Pháp, nhưng Thịnh từ chối. Anh đến Luebeck, Đức, tự xin việc để đoàn tụ với người vợ sắp cưới của mình. Từ năm 2020, anh đảm nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Đại học Luebeck, chịu trách nhiệm giảng dạy hai môn Những vấn đề nâng cao trong điều khiển Robot, Robot và điều khiển tự động của chương trình thạc sĩ, đồng thời nghiên cứu các dự án khoa học.

Ngọc Thịnh trong một giờ hướng dẫn sinh viên tại Đại học Luebeck thực hành điều khiển tay máy robot bảy bậc tự do. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Thịnh hướng dẫn sinh viên tại Đại học Luebeck thực hành điều khiển tay máy robot bảy bậc tự do. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu năm nay, dự án sử dụng xe robot tự hành để kiểm tra cây trái trong nông nghiệp của Thịnh và cộng sự gây tiếng vang, được kênh truyền hình Đức NDR, bang Schleswig-Holstein, đưa tin và chia sẻ rộng rãi. Theo nghiên cứu này, các robot sẽ tự động tuần tra trong vườn, thu thập dữ liệu từ cây trồng, sau đó cung cấp thông tin về sâu bệnh, thời điểm thu hoạch hợp lý cho người nông dân.

PGS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP HCM, ấn tượng với cậu học trò thường xuyên trao đổi, đặt câu hỏi với giảng viên. Thầy Lộc đánh giá Ngọc Thịnh ham học hỏi, nghiêm túc trong học tập và điều này giúp anh trở thành một sinh viên xuất sắc.

PGS Ionela Prodan, Đại học Grenoble, nhận định Ngọc Thịnh có hiểu biết sâu rộng về kỹ thuật, mạnh về Toán, tư duy logic và khả năng phân tích vấn đề: “Cậu ấy rất năng động, luôn tìm tòi để khám phá những điều mới và trên tất cả, cậu quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp”. Nhờ vậy, chỉ trong 1,5 năm đầu tiên từ khi bắt đầu nhận đề tài tiến sĩ, Thịnh đã gặt hái được rất nhiều kết quả quan trọng, trong cả lý thuyết và áp dụng thực tế. Những kết quả này đã được công bố trong những hội nghị hàng đầu của IEEE (Hiệp hội kĩ sư điện và điện tử) và IFAC (Hiệp hội điều khiển tự động quốc tế).

Từ cậu bé suýt đốt nhà đến tiến sĩ tại châu Âu, Thịnh đã đi một con đường rất dài mà chính anh cũng chưa từng nghĩ đến khi mới bước lên. Anh cho rằng cuộc sống sẽ có nhiều điều bất ngờ, việc đón nhận ra sao phụ thuộc vào thái độ mỗi người. Thời gian tới, song song với công việc tại Đại học Luebeck, Thịnh dự định nghiên cứu về giường bệnh thông minh, có chức năng hỗ trợ vật lý trị liệu, chống viêm, loét cho bệnh nhân nếu phải nằm điều trị quá lâu. Cùng với đó, anh cũng lên kế hoạch lấy bằng tiến sĩ khoa học tại Đức.

Nguồn: Thanh Hằng (VN Express)