GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA ĐƯỢC HỘI ĐỒNG CẤP NHÀ NƯỚC ĐỀ NGHỊ TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Mới đây, cụm công trình “Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực – thực phẩm và nông sản Việt Nam” của NGND. PGS.TS Trần Doãn Sơn – Giảng viên khoa Cơ khí – trường ĐH Bách khoa-ĐHQG-HCM vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6.
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước xét tặng cho các công trình, cụm công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học công nghệ. Đây được xem là giải thưởng danh giá nhất hiện nay tại Việt Nam, giải thưởng bắt đầu từ năm 1996, công bố 5 năm/lần và đến nay đã trải qua 5 đợt xét tặng.
Cụm công trình của NGND. PGS.TS Trần Doãn Sơn gồm 8 công trình, bao trùm lĩnh vực chế biến tinh các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và lương thực Việt Nam. Thông qua thực hiện 05 đề tài cấp Nhà nước, 9 bằng sáng chế. Cụm công trình thực hiện hơn 20 năm đã mang lại những hiệu quả lớn đến kinh tế và xã hội của đất nước, gồm:
1. Công trình bánh tráng gạo ( bánh tráng truyền thống)
Thông qua đề tài cấp Nhà nước, thực hiện từ 1998 cho đến nay, tác giả chuyển đổi từ một công nghệ thủ công sang sản xuất bằng dây chuyền tự động với chất lượng và năng suất cao. Nhóm tác giả đã chuyển giao cho nhiều công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất, trong đó có những công ty có thương thiệu như : Xí nghiệp chế biến thực phẩm cầu tre, công ty lương thực thành phố Hồ chí Minh-xí nghiệp SAFACO, công ty lương thực Tiền Giang và nhiều công ty xí nghiệp trên cả nước. Kết quả của công trình này là đã được cấp bằng sáng chế số 7268.
2. Công trình bánh tráng bía ( bánh tráng xốp)
Bánh tráng bía cũng được dùng để sản xuất chả giò Bía (Nem, ram Bía). Đây là một sản phẩm mới và hiện nay ngày càng được phổ biến. Trước đây, khi chưa thực hiện đề tài trọng điểm ĐHQG TP.HCM, công nghệ này vẫn phải thực hiện thủ công. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, sáng tạo và chuyển đổi từ thủ công sang dây chuyền tự động (cấp bột, tráng bánh, xếp bánh và bao gói), đưa lại năng suất cao (gấp hơn 10 lao động trong một đơn vị thời gian), sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, được khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng và tiêu thụ. Công trình cấp bằng sáng chế số 1936.
3. Công trình bánh tráng rế
Cũng như hai công trình trên, trước khi thực hiện công trình này, công nghệ sản xuất bánh tráng chủ yếu tập trung ở Miền nam, công nghệ thủ công rất vất vả cho người lao động, năng suất thấp do vậy chủ yếu phục vụ ở các tỉnh Nam bộ. Sau khi chuyển đổi công nghệ thành công, dây chuyền sản xuất tự động ra đời, năng suất cao đủ sản lượng để xúc tiến thương mại khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nhóm tác giả đã sử dụng thiết bị rô bốt để thay thế các thao tác trong điều kiện lao động nhiệt độ cao và cường độ tập trung lớn. Công trình này đã được cấp 2 bằng sáng chế số 7568 và 21202.
4. Công trình thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng
Điểm nổi bật của công trình này là tính mới và tính sáng tạo. Qua nghiên cứu và thực hiện đề tài do ĐHQG TP.HCM cấp kinh phí, tác giả đã cho ra đời thiết bị sản xuất dạng mini để thương mại hóa toàn cầu, mục đích chính là giới thiệu các món ẩm thực của Việt nam cho bạn bè thế giới. Hiện tại thiết bị này đã xuất khẩu khắp thế giới và đã xây dựng được thương hiệu. Công trình này đã được cấp bằng sáng chế số 7779.
5. Công trình sản xuất thiết bị sản xuất bún mini
Cũng giống như công trình về phở, công trình này, tác giả muốn giới thiệu ẩm thực bún, bánh canh, bánh hỏi,..) cho thế giới thông qua sản xuất tại chỗ trong các nhà hàng, khách sạn của thế giới. Kết quả thực hiện đề tài cấp Nhà nước (Nafosted), tác giả đã cho ra đời hàng loạt thiết bị với những kỹ thuật điều khiển khác nhau. Đây là đề tài mới thực hiện trong năm 2018-2021 nên kết quả thương mại chưa lớn nhưng trước mắt đã xuất khẩu cho một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và đang trong giai đoạn quảng bá kết quả của đề tài. Công trình này đã được cấp bằng giải pháp hữu ích số 2065.
6. Công trình Thiết bị sản xuất Bún, bánh hỏi, bánh canh, phở, bánh cuốn, mì quảng đồng thời trên một thiết bị
Đây là một công trình rất sáng tạo, rất mới, mô hình chưa xuất hiện trong và ngoài nước, thiết bị kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, thiết bị có kích thước nhỏ gọn, dạng mini để trang bị cho các nhà hàng, sản xuất đồng thời nhiều món ẩm thực khác nhau trên cùng một thiết bị.
7. Công trình công nghệ và thiết bị chế biến hạt điều
Đây là công trình tác giả thực hiện trong thời gian dài, hơn 20 năm. Ngành điều Việt nam từ con số không vào những năm trước 1990, cho đến nay, hơn 20 năm phát triển đã trở thành một đất nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới và sản lượng điều đứng vị trí thứ hai. Trong lĩnh vực chế biến điều, tác giả đã góp phần rất lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cũng như tác động xã hội rất lớn, kết quả thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước, tác giả đã được cấp hai bằng sáng chế và đã chuyển giao khoảng 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước, đặc biệt trong vài năm lại đây, nhóm tác giả đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến điều hiện đại cho các nước châu Phi và Ấn độ. Các dây chuyền này hầu như tự động hoàn toàn và đã ứng dụng công nghệ 4.0. Công trình được cấp bằng sáng chế số 372 và 7393.
8- Công trình Cà phê
Cũng như hạt điều, cà phê Việt Nam có trữ lượng cũng như thương hiệu trên thế giới. Thông qua dự án cấp Nhà nước, tác giả cùng một số công ty cà phê như Trung Nguyên cùng giải mã và nâng cấp, thay đổi những thiết bị nổi tiếng của thế giới như thiết bị hang Probat cho phù hợp điều kiện Việt nam. Với những thiết kế mới, tác giả đã được cấp bằng sáng chế 15319 và đã chuyển giao sáng chế cho công ty TTQ và đã chuyển giao cho cho hàng trăm cơ sở chế biến cà phê nhân trong và ngoài nuốc, những công ty chế biến cà phê tiêu biểu như Trung Nguyên, Thu Hà, Phúc Long… đều sử dụng những thiết bị từ kết quả của đề tài, dự án.