Tiếp nối thành công từ những cuộc thi công nghệ trước, năm nay, FPT tổ chức Cuộc đua số với chủ đề Xe không người lái. Lý do FPT đưa công nghệ tự động vào cuộc thi bởi đây được xem là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… 4 chàng trai khoa Cơ khí đã vượt qua những người anh em CNTT để giành vé đại diện trường tiếp tục hành trình chinh phục tấm vé tới Silicon Valley (Mỹ).
Chiều 15/1, vòng tìm kiếm đại diện trường của Cuộc đua số bắt đầu tại Đại học Bách khoa TP HCM để tìm kiếm đội thứ 5 vào vòng chung kết. Vòng thi tại trường Bách khoa thu hút 10 đội chơi đến từ 4 khoa.
Theo format của chương trình, các đội thi trải qua hai giai đoạn tranh tài. Vòng 1 đưa ra thử thách bằng một video. 10 đội phải sử dụng các thuật toán để tìm phương sai, độ lệch chuẩn tâm đường… để có sai số thấp nhất với kết quả mà Ban tổ chức công bố.
Đặc trưng của xe tự hành hệ giao tiếp xe-với-xe hay xe-với-hạ tầng, nghĩa là những chiếc xe được kết nối thông qua Internet để truyền dữ liệu đến những thiết bị cảm ứng của các xe khác, với xe buýt hay đường sá để tránh va chạm và để điều khiển giao thông.
Các giải thuật của 10 đội Bách khoa liên tục được thay đổi và cập nhật để tối ưu hóa phần thi.
Những cái tên như BKIT, Skyline, Micrale, CDIO… liên tục được cập nhật thứ hạng mới khiến không khí hội trường Hòa Bình càng nóng và hối hả hơn.
Phát biểu trong thời gian Ban tổ chức tổng hợp điểm, PGS-TS. Phạm Trần Vũ đánh giá cao ý nghĩa cuộc thi bởi đây là xu hướng công nghệ tất yếu. “Cuộc đua số sẽ giúp sinh viên rèn về kỹ năng cũng như nắm những công nghệ mới nhất. Đây là bước chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng, công nghệ cần thiết”, thầy Vũ khẳng định.
Sau đó, lần lượt 10 đội lên trình bày về giải thuật, thuật toán mà nhóm đã áp dụng để xác định tâm đường trong video đề bài trước Ban giám khảo.
Kết quả, với sai số 3.3, Miracle là đội đạt điểm cao nhất của vòng thi đầu tiên để cùng 5 đội tiếp theo vào vòng hai gồm: CDIO (Khoa Cơ Khí), BKIT, A Tiny Dot, MarbleRaisers và Skyline.
6 đội vào vòng vấn đáp với Ban giám khảo là các chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hình ảnh bao gồm: TS. Lê Thành Sách, TS. Phạm Hoàng Anh (Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính) và anh Trần Công Linh, Quản trị dự án, FPT Software.
Câu hỏi khó từ các chuyên gia liên tục được đặt ra buộc 6 đội phải giải thích, tranh luận để bảo vệ hướng đi của mình.
6 đội dùng các phương pháp khác nhau để xác định vạch và tâm đường. Điểm cao nhất của phần thi này là 10 và các đội xếp sau lần lượt giảm 0,5 điểm. Miracle tiếp tục gây ấn tượng bằng điểm tuyệt đối từ Ban giám khảo. Tổng điểm phần thi xử lý ảnh và vấn đáp, 4 đội có điểm bình quân cao nhất để vào vòng 2 gồm (theo thứ tự từ cao đến thấp): Miracle, CDIO, BKIT và Atiny Dot.
Chia sẻ về đề bài, đại diện các đội cho rằng “khá vừa sức bởi chưa có các tình huống khó hay thách thức”.
Theo sinh viên Nguyễn Minh Trí, đội BKIT, cuộc thi là cơ hội để nhóm nâng cao kỹ năng lập trình và xử lý ảnh. “Cuộc đua số yêu cầu cả phần cứng và phần mềm nên khá thú vị. Giải thưởng cũng rất hấp dẫn”, Trí nói.
Sau vòng vấn đáp, 4 cái tên đi tiếp vào vòng 2 – lập trình nhanh – sẽ được bố trí ngồi trước Ban giám khảo và Ban tổ chức để code. Mỗi đội chỉ chọn một người code, các thành viên còn lại làm nhiệm vụ tư vấn, đưa giải pháp.
Kỹ năng làm việc nhóm được phát huy tối đa. Có khá nhiều đội thi là “liên minh” giữa các khoa nhằm phát huy tối đa khả năng xử lý tình huống mà Cuộc đua số yêu cầu. Ví dụ, đội Miracle (trái) có 2 sinh viên ngành Cơ khí và một sinh viên CNTT.
Lập trình nhanh có 3 đề với thời gian và yêu cầu khác nhau. Khi hoàn thành, các đội sẽ giơ bảng để Ban tổ chức tính thời gian. Hai câu đầu khá nhẹ nên phần lớn các đội đều hoàn thành sớm.
Ngoài kết quả là ảnh đã xử lý, Ban giám khảo luôn yêu cầu các đội trưng phần code và các hàm đã dùng để kiểm tra và hỏi thêm. Trong câu đầu tiên, duy nhất đội CDIO đạt. Ba đối thủ còn lại không có kết quả đúng.
Tiến sĩ Lê Thành Sách (giữa) là chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hình ảnh của Đại học Bách khoa nên thường đưa ra các câu hỏi rất sâu và kỹ cho các đội. Đây cũng là một trong những công nghệ cốt lõi của xe tự hành mà Cuộc đua số hướng tới.
Đại diện BKIT trả lời các câu hỏi từ Ban giám khảo, từ việc tại sao chọn hàm này, hay cách tận dụng thư viện có sẵn ra sao để cho ra kết quả đúng và nhanh nhất.
Cuộc đua của 4 đội trong vòng hai rất gay cấn khi những điểm tuyệt đối liên tục được Ban giám khảo giơ lên.
Trong yêu cầu thứ hai, 3 đội đạt là A Tiny Dot, CDIO và Miracle nhưng điểm số khác nhau do thời gian hoàn thành. Riêng BKIT không hoàn thành bài thi.
BKIT tiếp tục không xử lý được ảnh khi 15 phút kết thúc. Ba đội còn lại vẫn tiếp tục xem lại từng dòng code và các hàm để đảm bảo tính chính xác. Nếu chạm tay sửa chữa bài thi, các đội sẽ bị tính thêm thời gian.
Vòng thi quyết định và câu hỏi khó nên ba vị giám khảo rất chăm chú soi từng chi tiết trong phần trình bày của các đội. Kết quả cùng đạt nhưng CDIO hoàn thành bài nhanh nhất nên đạt điểm 10 trong khi Atiny Dot và Miracle lần lượt nhận 9,5 và 9 điểm.
Vượt lên trong cả bai bài thi vòng lập trình nhanh, CDIO giành tổng điểm cao nhất vòng thi cấp trường là 9,517 để đại diện ĐH Bách khoa TP HCM thi Chung kết Cuộc đua số. Ba đội còn lại là: Miracle (8,850), A Tiny Dot (8,133) và BKIT (6,300).
Anh Nguyễn Phương Hoàng , PTGĐ Sendo.vn, và PGS-TS. Phạm Trần Vũ, Phó Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, ĐH Bách khoa TP HCM, trao phần thưởng cho CDIO là chiếc xe mô hình để sử dụng trong suốt vòng thi và một laptop HP trị giá gần 10 triệu đồng.
4 chàng trai CDIO (Khoa Cơ Khí) là: Võ Duy Công, Phan Hữu Thanh Tú, Nguyễn Trọng Trân và Huỳnh Văn Ngọc Sơn sẽ đại diện ĐH Bách khoa tranh tài trong trận chung kết Cuộc đua số để giành giải thưởng là chuyến đi Mỹ.
“Bọn em là sinh viên Khoa Cơ khí. Do hay làm dự án cùng nhau nên khi biết có cuộc thi đã lập thành một nhóm để tranh tài”, Võ Duy Công, đội trưởng CDIO, nói. “CDIO là một phương pháp luận cho các ngành kỹ thuật, đã được ĐH Bách khoa áp dụng vào chương trình đào tạo. CDIO có nghĩa: Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) – Vận hành (Operate) các sản phẩm và hệ thống thực. Tên nhóm xuất phát từ việc bọn em thường tham gia CDIO của trường”.
Cuộc đua số diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, được mở rộng cho tất cả sinh viên yêu thích công nghệ trên cả nước. FPT sẽ cấp xe ô tô mô hình được thiết lập và trang bị mã nguồn mở cho 8 đội xuất sắc tại vòng sơ khảo được chọn vào chung kết để lập trình cho xe. Xe sẽ được chạy đua trên sa hình mô phỏng đường phố tại Việt Nam trong trận chung kết diễn ra trung tuần tháng 4/2017.