Cảnh báo từ khi có dấu hiệu, thiết bị tách rời và giá thành rẻ là ba đặc điểm nổi bật của hệ thống cảnh báo buồn ngủ do nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng tạo.
Hệ thống cảnh báo buồn ngủ cho tài xế của nhóm Kỹ sư xanh – Thực hiện: HÀ LINH – LAM THUYÊN
Tham gia Ngày hội Kỹ thuật – một hoạt động thường niên của khoa Cơ khí (Trường đai học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM), hệ thống cảnh báo buồn ngủ của nhóm 6 bạn sinh viên năm nhất gây ấn tượng bởi tính thực tiễn và tính ứng dụng cao.
Từng vô tình xem video trên TikTok về một vụ tai nạn do tài xế ngủ gật ở Đắk Lắk, cả nhóm sinh viên đều cho rằng việc này khá nghiêm trọng và nảy ra ý tưởng sáng tạo hệ thống cảnh báo cho tài xế.
Qua tìm hiểu, các bạn biết thêm rằng thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên thế giới khi ước tính có khoảng 10-15% tai nạn xe có liên quan đến thiếu ngủ.
Ba tháng là khoảng thời gian để cả nhóm bắt tay vào thực hiện và hoàn thiện sản phẩm.
Theo bạn Vũ Tuấn Kiệt (sinh viên năm 1, khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM):
“Ban đầu thuật toán còn mắc phải nhiều lỗi, thiết bị còn chập chờn nên mất nhiều thời gian để chỉnh sửa và hoàn thành. Dù vậy, cả nhóm làm việc khá ăn ý và cùng nhau hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.”
Cụ thể, hệ thống cảnh báo buồn ngủ sẽ hoạt động theo quy trình gồm 2 bước. Đầu tiên là lấy giá trị chuẩn hóa. Việc lấy giá trị chuẩn hóa có nghĩa là lấy những giá trị ban đầu về mắt, môi và miệng của người dùng bởi vì khuôn mặt của mỗi người là khác nhau.
Kế đó, ở bước 2, khi tài xế có dấu hiệu buồn ngủ, thiết bị sẽ phân tích dựa trên các dấu hiệu này để phát tín hiệu cảnh báo.
Các dấu hiệu trên khuôn mặt được các bạn chia ra, gồm: tỉ lệ mắt, tỉ lệ miệng, độ tròn của con ngươi và tỷ lệ miệng trên tỷ lệ mắt.
Các tỉ lệ này sẽ dựa trên các biểu hiện trên khuôn mặt tài xế khi có biểu hiện đang buồn ngủ, ví dụ như: mắt díp lại, miệng mở to ra khi ngáp, độ tròn của con ngươi nhỏ lại…
So với các sản phẩm chống buồn ngủ khi lái xe trên thị trường được tích hợp sẵn trên xe, sản phẩm của nhóm là thiết bị tách rời. Điều này giúp cho không chỉ những loại xe có công nghệ hiện đại mà các loại xe thông thường cũng đều có thể trang bị hệ thống này. Để làm ra thiết bị, cả nhóm đã bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng (trong đó, chi phí ban đầu là 600 nghìn đồng kèm tiền sửa chữa). Với giá chưa đến 2 triệu đồng, sản phẩm có tính ứng dụng cao khi phù hợp để nhiều đối tượng người dùng.
Trong thời gian tới, nhóm dự định sẽ phát triển sản phẩm bằng cách cải thiện thuật toán nhận diện cũng như các tính năng khác. Hệ thống đã được đánh giá cao và đạt giải nhất tại Ngày hội Kỹ thuật năm học 2024-2025 do khoa tổ chức.