Từ nỗi ám ảnh bị loài côn trùng này tấn công vào mùa mưa, nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã sáng tạo ra máy diệt kiến ba khoang.
Máy diệt kiến ba khoang do PAKO TEAM thực hiện, vừa đạt giải nhì tại Ngày hội Kỹ thuật do khoa Cơ khí Trường đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Sản phẩm được đánh giá cao bởi cách hoạt động đơn giản, thành phần dễ tìm nhưng tính ứng dụng cao. Sản phẩm hiện đã được duyệt làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.
Giải pháp giúp sinh viên ký túc xá thoát nỗi ám ảnh kiến ba khoang
Thành viên của PAKO TEAM, bạn Văn Ngọc Quỳnh Trâm (sinh viên năm 1) tiết lộ, kiến ba khoang là nỗi ám ảnh của các bạn ở ký túc xá. Nhóm bạn của Trâm nhiều lần bị kiến ba khoang tấn công.
Qua tìm hiểu, các bạn biết được rằng kiến ba khoang sẽ tiết ra độc tố Pederin gây bỏng rát vùng da tiếp xúc. Nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách, độc tố sẽ lây lan qua các bộ phận khác, để lại sẹo.
Nhận thấy trên thị trường chưa có loại máy nào diệt kiến ba khoang, nhóm quyết định cùng nghiên cứu.
Để thử nghiệm sản phẩm, cả nhóm chia nhau tìm kiến ba khoang và giữ cho chúng sống. May mắn là ngay từ những lần thử đầu, máy đã hoạt động đạt hiệu quả 100%. Quỳnh Trâm còn hài hước kể lại kỷ niệm “được” kiến ba khoang đột nhiên tìm đến nhiều hơn sau quá trình làm máy diệt kiến.
Trong quá trình thử nghiệm, được sự đồng thuận của ban quản lý Ký túc xá khu A Đại học Quốc gia TP.HCM, nhóm đã đặt máy tại các tòa nhà có nhiều kiến ba khoang và thu được kết quả.
Tích hợp nhiều cơ chế để tăng hiệu quả
Do chỉ tập trung vào tiêu diệt kiến ba khoang nên máy được các bạn tích hợp nhiều cơ chế dựa trên đặc tính tự nhiên của sinh vật.
Theo đó, máy diệt kiến ba khoang gồm có phần nắp để chứa nước ở phía dưới và lưới điện bao bọc xung quanh. Thay vì xua đuổi, máy sẽ thu hút kiến ba khoang bằng bóng đèn và tinh dầu đậu cô ve.
Theo bạn Nguyễn Hoàng Nhật Huy (sinh viên năm 1), máy kết hợp vừa thu hút bằng ánh sáng vừa bằng mùi hương.
Kiến ba khoang là loài động vật dễ bị thu hút bởi ánh đèn. Do vậy, các bạn kế thừa cách bẫy nước – một phương pháp bắt côn trùng truyền thống. Lúc này, ánh sáng từ bóng đèn khi phản chiếu xuống nước được tận dụng để thu hút kiến.Khi kiến bay từ trên xuống theo ánh sáng từ bóng đèn sẽ gặp mặt nước và không thể thoát ra. Cũng bằng ánh sáng đó, nếu bay từ các mặt xung quanh của máy, kiến sẽ bị tiêu diệt khi gặp lưới điện.
Riêng với tinh dầu đậu cô ve, đây là niềm tự hào của cả nhóm. Thầy Trần Đại Nguyên (giảng viên hướng dẫn) cũng đánh giá cao sáng tạo này.
Sau khi nghiên cứu các bài báo khoa học, nhóm biết được rằng, tinh dầu từ đậu cô ve có khả năng thu hút kiến ba khoang rất cao. Từ đó, các bạn đã chiết thành công. Tinh dầu này hiện chưa có trên thị trường.
Một chiếc máy diệt kiến ba khoang có giá chỉ hơn 300 nghìn đồng. Đây cũng là điều mà nhóm hướng tới cho một sản phẩm dành cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng sinh viên ở ký túc xá. Máy diệt kiến ba khoang cũng được các bạn cam kết không sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn khi cách điện hoàn toàn nước và lưới điện.
Để sản phẩm đạt hiệu quả, nhóm cũng khuyến khích người dùng đặt hoặc treo máy diệt kiến ba khoang ở ban công để tiêu diệt chúng trước khi vào phòng.
Ngày hội Kỹ thuật là hoạt động truyền thống của khoa Cơ khí (Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011.
Ngày hội tạo cơ hội cho sinh viên năm nhất được chủ động tìm tòi, học hỏi, tự do sáng tạo và hiện thực hóa các ý tưởng. Đồng thời, đây còn là bệ phóng để sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học và tự tin trong hành trình học tập trên giảng đường đại học.
Trích nguồn: Sinh viên Bách Khoa sáng tạo máy diệt kiến ba khoang đầu tiên