MÁY MỔ TÚI TỰ ĐỘNG ‘MADE BY BÁCH KHOA’

Mới đây, đề tài: “Gói nâng cấp tự đng hoá công đoạn mổ túi trên máy may cơ công nghiệp” của sinh viên Khoa Cơ Khí trường ĐH Bách Khoa đã đạt giải ba, thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, của Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học 2018 do Bộ giáo dục đào tạo, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam tổ chức.

Nhóm sinh viên thực hiện đề tài gồm 2 bạn: Phan Ngọc Hưng và Vũ Thị Huệ, là sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Dệt, bộ môn Kỹ thuật Dệt may, khoa Cơ khí.

Bắt kịp nhu cầu

Trong những năm gần đây, ngành may Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn như: khủng hoảng đơn hàng, chi phí lao động tăng cao, nhiều khách hàng truyền thống có xu hướng di chuyển đơn hàng từ Việt Nam đến những quốc gia như Lào, Cambodia, Myanmar,.. Với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều đơn hàng lại quay về chính quốc gia của các công ty mẹ để sản xuất hàng loạt nhờ các hệ thống tự động thay thế công nhân. Đối mặt với vô vàn khó khăn chồng chất, các tập đoàn, công ty lớn đã chi hàng triệu USD cho tự động hoá nhằm tăng năng suất và cắt giảm chi phí, còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây lại là những thách thức đáng kể.

Đáp ứng nhu cầu tự động hoá, góp phần giải quyết bài toán đầu tư thiết bị may tự động với chi phí thấp, thầy và trò Bách Khoa đã nghiên cứu giải pháp “Gói nâng cấp máy may cơ công nghiệp thành máy mổ túi tự động”. Mục tiêu nghiên cứu tập trung vào việc tự động hoá công đoạn mổ túi, vốn phức tạp và cần nhiều lao động chuyên môn, từ đó đề ra hướng nâng cấp tự động hoá cho các công đoạn tiếp theo. Mục tiêu chính của đề tài là cắt giảm chi phí lao động, giảm phụ thuộc tay nghề công nhân, nâng cao năng suất và hạn chế lỗi.

Sử dụng dễ dàng

Sản phẩm đầu tiên của “Gói nâng cấp tự động hoá công đoạn mổ túi trên máy may cơ công nghiệp là WP01, bao gồm ba bộ phận chức năng gồm: bộ phận định vị, bộ phận may, bộ phận cắt và tương tác với nhau bằng hệ thống truyền động.

Nguyên lý hoạt động sẽ thực hiện lần lượt tại ba bộ phận. Tại bộ phận định vị: form nhấc lên tại bộ phận định vị. Sau khi người công nhân lắp thân, form hạ xuống, window và snake hỗ trợ gấp cơi viền. Tiếp theo, tại bộ phận may, form được nguyên trạng thái đóng và di chuyển theo đường may yêu cầu. Cuối cùng, là tại tại bộ phận cắt: Snake và Window rút về vị trí trú ẩn, sau đó Form nâng lên giải phóng sản phẩm.

Như vậy, thay vì phải thực hiện 3 bước làm dấu, may và mổ túi với tổng thời gian đến hơn 5 phút cho mỗi sản phẩm với tay nghề công nhân cao, giờ đây với WP01 có thể hoàn thiện một sản phẩm mổ túi trong khoảng từ 40-60 giây và bất cứ ai cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng.

Ứng dụng sản phẩm vào thực tế

Đề tài “Gói nâng cấp tự động hoá công đoạn mổ túi trên máy may cơ công nghiệp” của thầy trò khoa Cơ khí đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, mở ra hướng đi mới và tiếp tục nâng cấp để ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài việc đạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học 2018”, đề tài cũng nhận được Giải ba cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp Bách Khoa Innovation 2018. Bên cạnh đó, WP01 đã tạo ra tiền đề để nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện những nghiên cứu hữu ích như phiên bản WP02 hoàn thiện hơn, đề tài may dây kéo áo Zipper01. Đặc biệt, Zipper01 đã được chọn tham gia vào dự án “Robot in Garment Industry” của tập đoàn đa quốc gia Decathlon, được lựa chọn đầu tư và đang bước vào giai đoạn II: đầu tư phát triển thử nghiệm trước khi thương mại hoá.

Máy mổ túi WP01 ứng dụng trong thực tế

Hội nhập về giáo dục và đào tạo, cùng với xu thế hội nhập kinh tế, đã được cụ thể hóa trong phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, đặc biệt là tại khoa Cơ Khí. Tham gia các hoạt động bổ ích này, sinh viên có cơ hội củng cố vững vàng về kiến thức, mà còn tự tin có thêm nhiều trải nghiệm cho nghề nghiệp, từ đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế về đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa.

Nguồn: Thy Huyền (TT HTSV & VL)