NSCME 2021: Diễn đàn rộng lớn nhất trong lĩnh vực Cơ khí

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Toàn quốc về Cơ khí lần thứ VI, năm 2021 (NSCME 2021) – Diễn đàn rộng lớn nhất của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực Cơ khí được Tổng hội Cơ khí Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 04 và 05 tháng 11 năm 2021, tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến. Đây là cơ hội lớn cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi các kết quả nghiên cứu, ý tưởng và kinh nghiệm, nhằm tiến tới hợp tác, chia sẻ kiến thức và trao đổi nghề nghiệp trong lĩnh vực Cơ khí, Động lực, Kỹ thuật Giao thông…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS,TS. Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết, Hội nghị là diễn đàn có quy mô toàn quốc để trình bày và thảo luận về những thành tựu và phát triển mới nhất liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng, nhằm giải quyết các vấn đề khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các hướng về:  Kỹ thuật Cơ khí; Cơ khí động lực; Kỹ thuật Giao thông; Cơ khí nông lâm; Máy xây dựng; Tự động hóa; Cơ điện tử; Công nghệ nhiệt lạnh; Máy năng lượng; Kỹ thuật và công nghệ dệt – may; Kỹ thuật hệ thống công nghiệp; Công nghiệp 4.0 trong Cơ khí…

Từ lúc chuẩn bị tổ chức Hội nghị cho đến ngày khai mạc, trong giai đoạn cả nước trải qua thời gian khó khăn do dịch covid-19 và TP. Hồ Chí Minh là vùng tâm dịch, với số lượng từ 207 bài báo và tóm tắt ban đầu và các báo cáo tham dự Hội nghị hôm nay, tính đa dạng của các nghiên cứu trong các báo cáo khoa học… chính là sự cố gắng to lớn và là niềm tự hào của chúng ta. Sau Hội nghị sẽ có hơn hơn 100 bài báo được in trên Tạp chí Cơ khí Việt Nam và gần 60 bài báo được xuất bản trên các Tạp chí Quốc tế.

Chào mừng Hội nghị, TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, theo truyền thống, Hội nghị Khoa học và Công nghệ Toàn quốc về Cơ khí được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc một số địa điểm khác trên cả nước. Năm nay, nhân Kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Cơ khí, tiền thân là Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (1956-2021), Hội nghị được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù dịch Covid -19 kéo dài đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho Hội nghị, nhưng nhờ sự cố gắng, nỗ lực của Ban Tổ chức và Ban Chương trình, đặc biệt là sự nhiệt tình của Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, đến nay mọi việc đã hoàn tất và thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều bài báo, phát biểu của 450 nhà nghiên cứu, nhà khoa học và diễn giả trên khắp cả nước gửi đến tham dự. Sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu cho thấy, Hội nghị có sức thu hút rất lớn.

Hội nghị sẽ nghe trình bày 150 báo cáo khoa học từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu độc lập trong và ngoài nước về các kết quả nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ mới nhất trong nhiều lĩnh vực cơ khí khác nhau.

Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị sẽ là diễn đàn lớn nhất trong năm 2021, giữa mùa dịch Covid-19 đang bùng lên khắp nơi, mặc dù là online nhưng đây sẽ là diễn đàn rất tốt để các vị đại biểu trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình.

Các đại biểu tham dự NSCME 2021

Tham luận tại Hội nghị, GS,TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã báo cáo kết quả nghiên cứu phát triển xe điện tại Việt Nam. Theo GS,TS. Lê Anh Tuấn, phát triển xe điện là một chủ trương được Đảng và Nhà nước khuyến khích trong giai đoạn hiện nay. Thị trường sản phẩm xe điện ở Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường hấp dẫn với số lượng các nhà sản xuất và lắp ráp các sản phẩm xe điện đang tăng nhanh. Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ là vấn đề cốt lõi và nền tảng của ngành công nghiệp ô tô điện. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu phát triển nghiên cứu hoàn thiện hơn đi vào sản xuất công nghiệp, thì công cụ, chính sách của Nhà nước cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp xe điện.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải tham luận với chủ đề: Cơ hội và thách thức phát triển Công nghiệp cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ. Sau khi phân tích những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành Công nghiệp cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Văn Tài nêu rõ, ba yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của Ngành, đó là: Công nghệ làm lực đẩy – Thị trường làm lực kéo và Chính sách Nhà nước chính là lực nâng. Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp, nhà trường và của cả nền kinh tế. Mối quan hệ Nhà trường và Nhà doanh nghiệp cần phải được gắn kết chặt chẽ trên cơ sở chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với chủ đề: Đào tạo và Nghiên cứu lĩnh vực cơ khí trong thời đại 4.0, PGS,TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các trường, khoa, viện liên ngành phải thay đổi phù hợp với cấu trúc bên ngoài. Tư duy nghiên cứu phát triển công nghệ theo định hướng phát triển mang yếu tố chủ quan chứ không phải yếu tố khách quan. Chuyển đổi số yêu cầu con người phải tự học. Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu đào tạo phải thay đổi theo hướng liên ngành, đa ngành, các khoa, bộ môn phải thay đổi, cách tiếp cận hướng nghiên cứu cũng phải thay đổi, đào tạo kỹ năng hợp tác, làm việc với những người khác để tạo ra sản phẩm, phải trang bị kiến thức kỹ năng trên cơ sở kiến tạo những điều kiện tương tự như trong công nghiệp, hướng đến các sản phẩm phức tạp, nhiều kỹ năng; gắn kết doanh nghiệp, Nhà nước, khách hàng sâu hơn nữa. Hoạt động đào tạo phải được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp, gắn với nhu cầu doanh nghiệp.

Sau phiên toàn thể, Hội nghị tiếp tục nghe 150 báo cáo khoa học về các kết quả nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực cơ khí khác nhau được phân thành 5 phân ban, gồm: Kỹ thuật Cơ khí; Cơ học máy Kỹ thuật Nhiệt lạnh; Vật liệu Cơ khí; Kỹ thuật và Công nghệ ứng dụng; Kỹ thuật Phương tiện giao thông; Kỹ thuật Cơ điện tử – Robot; Kỹ thuật Dệt, công nghệ may; Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp; logictics…

NSCME 2021, đã thành công rực rỡ và thực sự trở thành một sự kiện thú vị, mang tính học hỏi cao, là cơ hội giao lưu sâu rộng giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Nguồn: Việt Hà – Văn Sơn (TCCKVN)