Sáng ngày 23/9/2015, tại trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG – HCM đã diễn ra phiên bế mạc hoạt động đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN – QA lần thứ 49 của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN).
Theo kế hoạch, đoàn đánh giá AUN (Asean University Network) đã đến trường để thực hiện các hoạt động đánh giá chất lượng 03 chương trình là Cơ kỹ thuật thuộc khoa Khoa học Ứng dụng, Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp thuộc khoa Cơ khí và Kỹ thuật Điện – Điện tử (Chương trình tiên tiến) thuộc khoa Điện – Điện tử trong 03 ngày từ ngày 21 – 23/9/2015.
Dẫn đầu đoàn đánh giá AUN lần thứ 49 là TS. Choltis Dhirathiti – Phó Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cùng các chuyên gia kiểm định chất lượng đến từ các trường Đại học hàng đầu thuộc AUN gồmGS. Damrong Thawesaengskulthai – Đại học Chulalongkorn (Thái Lan); TS. Myrna S. Austria – Đại học De La Salle (Philippines); GS. TS. Chavalit Wongse-ek – Đại học Quốc tế Mahidol (Thái Lan); GS. TS. -Ing Heman Parung – Đại học Hasanuddin (Indonesia); GS. TS. Stria Bijaksana – Viện Công nghệ Bandung (Indonesia); GS. TS. Raymund Sison – Đại học De La Salle (Philippines) và đại diện Ban thư ký của AUN Korn Ratanagosoom.
Trong 03 ngày làm việc, đoàn đã phỏng vấn các đối tượng có liên quan bao gồm Ban Giám hiệu trường, lãnh đạo khoa, lãnh đạo các phòng ban, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên và doanh nghiệp, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, tham quan cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, lớp học) tại cơ sở Lý Thường Kiệt (Q. 10, TP. HCM), cơ sở Linh Trung (Q. Thủ Đức, TP. HCM) và ký túc xá Bách Khoa (số 497 Hòa Hảo, Q. 10, TP.HCM). Nhìn chung, cả 3 chương trình được kiểm định đều đáp ứng được những yêu cầu của các tiêu chuẩn đánh giá.
Tại phiên bế mạc, đại diện của đoàn đánh giá ngoài đã đề cập đến những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần cải tiến theo yêu cầu tiêu chuẩn AUN-QA của 3 chương trình được đề xuất kiểm định chất lượng. Các báo cáo của đoàn đánh giá về 03 chương trình Cơ kỹ thuật, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Kỹ thuật Điện – Điện tử hầu hết đều đánh giá cao tính hội nhập quốc tế của các chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên được đào tạo, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, sự đánh giá của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực được đào tạo từ nhà trường…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nổi bật, báo cáo đánh giá của AUN cũng chỉ ra những điểm liên quan đến chất lượng đào tạo cần tiếp tục cải tiến như cơ sở vật chất, mối liên hệ giữa nhà trường với các đơn vị tuyển dụng và cựu sinh viên… Dựa trên cơ sở của các đánh giá này, đoàn đánh giá AUN kiến nghị nhà trường đề ra các nhiệm vụ cụ thể, triển khai các giải pháp để đảm bảo và đạt yêu cầu chất lượng cơ sở giáo dục theo chuẩn của AUN, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và đẩy mạnh tính hội nhập quốc tế.
Phó Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) Choltis Dhirathiti tin tưởng: “Với những phân tích, đánh giá từ các chuyên gia của AUN sẽ rất hữu ích và có ý nghĩa với quá trình nâng cao chất lượng của 3 chương trình trên, giúp nhà trường phát huy hơn nữa thế mạnh của mình và thấy rõ những điểm cần cải thiện”.
Sau khi lắng nghe những đánh giá, nhận xét có hệ thống của các chuyên gia từ AUN, PGS. TS. Vũ Đình Thành – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa đã gửi lời cảm ơn đến đoàn và khẳng định sẽ cải thiện những mặt còn tồn tại mà các chuyên gia đã nêu ra trong thời gian tới đồng thời bày tỏ mong muốn trong tương lai trường sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn AUN – QA.
AUN được thành lập vào tháng 11/1995, là một trong những tổ chức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo có uy tín trong khu vực ASEAN. Trường Đại học Bách Khoa hiện nay đã đạt chuẩn chất lượng đào tạo khu vực Đông Nam Á (AUN–QA) ở 06 ngành đào tạo: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Xây dựng Dân dụng Công nghiệp, Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật điều khiển & tự động hóa, Quản lý Công nghiệp. Việc triển khai đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn AUN – QA đã tạo ra những thay đổi tích cực đến nội dung, phương pháp và chất lượng giảng dạy, đồng thời cũng tạo sự thay đổi nhận thức về văn hóa chất lượng trong sinh viên, giảng viên và lãnh đạo nhà trường.
Bộ tiêu chuẩn AUN-QA (gồm có 15 tiêu chuẩn):
- Kết quả học tập mong đợi (Expected Learning Outcomes)
- Mô tả chương trình đào tạo (Programme Specification)
- Nội dung và cấu trúc chương trình (Programme Structure and Content)
- Chiến lược dạy và học (Teaching and Learning Strategy)
- Đánh giá sinh viên (Student Assessment)
- Đội ngũ cán bộ giảng dạy (Academic Staff Quality)
- Đội ngũ cán bộ hỗ trợ (Support Staff Quality)
- Chất lượng sinh viên (Student Quality)
- Hỗ trợ và tư vấn sinh viên (Student Advice and Support)
- Trang thiết bị và cơ sở vật chất (Facilities and Infrastructure)
- Đảm bảo chất lượng quá trình dạy và học (Quality Assurance of Teaching and Learning Process)
- Hoạt động phá triển đội ngũ (Staff Development Activities)
- Phản hồi của các bên có liên quan (Stakeholders Feedback)
- Đầu ra (Output)
- Sự hài lòng của các bên có liên quan (Stakeholders Satisfaction)
Nguồn: HCMUT