Vào ngày 03/12/2016, hội thảo về “Loại trừ các chất HCFC và Tiết kiệm năng lượng, Nâng cao hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí” đã được tổ chức tại khách sạn Dic Star, TP. Vũng Tàu.
Hội thảo được tổ chức bởi Ban quản lý Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, Giai đoạn 1” (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) phối hợp với Hội KHKT Lạnh & Điều hòa không khí Việt Nam và Bộ môn Công nghệ Nhiệt Lạnh của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Tham dự buổi hội thảo có đại diện Ban quản lý Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, Giai đoạn 1”, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội KHKT Lạnh & Điều hòa không khí Việt Nam, Heat and Refrigeration Engineering – Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG – HCM, cùng đông đảo các cán bộ, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học trong khu vực các tỉnh phía Nam (Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM, Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM, Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng, Trường Cao Đẳng Công Thương, Trường Cao Đẳng Nghề Nha Trang…), và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan (Công ty Bitzer Refrigeration Asia Pte Ltd, Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam, Công ty GreenViet, Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam, Công ty TNHH Linka, Công ty Shinryo Corporation, Công ty Atlas Copco VN, Công ty TNHH Cơ Điện Lạnh Nhất Tâm, Công ty TNHH Dịch vụ Cơ Điện Lạnh Hiệp Thành, Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Lạnh Searefico, Công ty TNHH ĐHKK Carrier Việt Nam),…
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 20 báo cáo có liên quan đến môi chất lạnh, sử dụng tiết kiệm & hiệu quả năng lượng và giảm phát thải CO2… Tuy nhiên, vì thời gian có hạn cho nên chỉ có 10 báo cáo được trình bày tại hội thảo. Tất cả các báo cáo, kể cả các báo cáo không thể trực tiếp trình bày tại hội thảo, đều được Ban tổ chức in và cung cấp đến từng đại biểu.
Tại hội thảo, Ông Lương Đức Khoa – Phó Trưởng Phòng Biến đổi khí hậu, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đã có bài phát biểu về (i) Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozone và kế hoạch loại trừ các chất HCFC tại Việt Nam; (ii) Chuyển đổi công nghệ trong sản xuất điều hòa không khí gia dụng trong giai đoạn 2017-2022. GS.TS Lê Chí Hiệp – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh, Trường ĐHBK, ĐHQG – HCM trình bày báo cáo về Kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí trong xu thế loại bỏ các môi chất lạnh không thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn có 8 tác giả khác đã trình bày báo cáo tại hội nghị.
Ở Việt Nam, HCFC-22 được sử dụng trong hệ thống máy điều hoà không khí gia đình, hệ thống cấp đông lạnh, kho lạnh và các hệ điều hoà không khí trung tâm. HCFC-141b được dùng cho sản xuất các loại xốp cách nhiệt, HCFC-123 được dùng cho điều hòa trung tâm, còn HCFC-225 được dùng trong sản xuất mỹ phẩm và dụng cụ y tế.
Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montrreal cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển tính trên lượng HCFC được loại trừ theo đơn giá của từng lĩnh vực, từng công nghệ thay thế.
Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam ở giai đoạn 2012-2017 được cấp khoản kinh phí gần 10 triệu đô la Mỹ. Trong giai đoạn 2017-2022, dự án đã được phê duyệt gần 15 triệu đô la Mỹ, mục tiêu là loại trừ 1.000 tấn HCFC-22. Giai đoạn kế tiếp từ 2023-2030 dự án có thể được phê duyệt khoản kinh phí trên 10 triệu đô la Mỹ với mục tiêu loại trừ 1.500 tấn HCFC-22.
Để thực hiện kế hoạch loại trừ các chất HCFC, các biện pháp chính sách đã đề xuất bao gồm: cấp phép nhập khẩu các chất HCFC theo hạn ngạch với lượng nhập khẩu giảm dần theo hạn định loại trừ HCFC; không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị có sử dụng HCFC; hạn chế cấp phép mở rộng sản xuất hoặc nâng cao công suất của các doanh nghiệp hiện đang sử dụng HCFC; hạn chế lắp mới các thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC trong ngành thủy sản (các doanh nghiệp sử dụng thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu & Hoa Kỳ); từ năm 2022 dự kiến cấm nhập khẩu các thiết bị ĐHKK sử dụng HCFC-22,…
Trong giai đoạn từ 2017-2022, tùy từng nhà sản xuất có thể chuyển đổi các thiết bị điều hoà không khí có năng suất lạnh dưới 24.000 Btu/h từ HCFC-22 sang HFC-32 và HC-290, hoặc chuyển sang R-410A.
Tại Việt Nam, thiết bị điều hoà không khí có nguồn gốc nhập khẩu chiếm thị phần lớn, chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Từ năm 2017, Thái Lan và Indonesia sẽ ngừng sản xuất thiết bị điều hoà không khí sử dụng HCFC-22.
Dự kiến trong vài năm nữa lượng thiết bị điều hoà không khí sử dụng HFC-32 sẽ chiếm thị phần chi phối của thị trường điều hoà không khí Việt Nam.
Trong giai đoạn 2018-2022, thông qua các trường dạy nghề trên toàn quốc, các Cty bán thiết bị điều hoà không khí sẽ tổ chức huấn luyện về việc sử dụng HFC-32 và HC-290. Khoảng 20 trường dạy nghề sẽ được cung cấp dụng cụ giảng dạy về môi chất lạnh cháy nổ. Một số đơn vị dịch vụ trong lĩnh vực điều hoà không khí cũng sẽ được cấp miễn phí bộ đồ nghề sử dụng môi chất lạnh HFC-32 và HC-290.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ các kinh nghiệm về loại trừ các chất HCFC, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí tại địa phương.
Phát biểu kết thúc hội nghị, GS.TS Lê Chí Hiệp thay mặt ban tổ chức cảm ơn các đại biểu đã tích cực tham gia tranh luận và đóng góp các ý kiến nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động loại trừ các chất HCFC, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 và nâng cao hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí.