NHỮNG “BÓNG HỒNG” TRONG KHOA CƠ KHÍ

Điều gì khiến các nữ sinh lựa chọn ngành học của phái mạnh này?

Con gái cũng làm được

Gia Hân và Phương Loan là hai nữ sinh hiếm hoi của lớp Cơ khí K17 Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. Nói về lý do chọn ngành học “khác người” này, cả hai đều cho biết rằng “tự bản thân có hứng thú về công nghệ và kỹ thuật từ những năm học cấp 3”.

Nếu như Gia Hân được gia đình và bạn bè tuyệt đối ủng hộ thì Phương Loan lại vấp phải sự lo ngại từ người thân. Loan cho biết ngày cô chọn học ngành Cơ khí ai cũng khuyên can rằng cô nên đăng ký học những ngành phù hợp với nữ giới hơn như sư phạm, y khoa.

Tuy nhiên, chính sự quyết tâm của Phương Loan đã thuyết phục được mọi người. Phương Loan tâm sự: “Những gì con trai làm được thì con gái cũng làm được. Ngành nghề nào cũng có những thử thách của nó. Vấn đề là bạn có dám đối mặt, vượt qua thử thách và theo đuổi đam mê của mình hay không. Người ta thường nói ‘muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do’ mà”.

Trước ngày bước vào lớp Cơ khí K17, cả hai “bóng hồng” đều hiểu “hoàn cảnh” học chung với 82 nam sinh. Tuy nhiên, cả hai đều cảm thấy… bình thường, bởi như Gia Hân chia sẻ những năm cấp 3, Gia Hân học chuyên vật lý nên bây giờ trong tình cảnh “dương thịnh âm suy” không có gì là lạ.

Còn Phương Loan thì quả quyết: “Mình đã chuẩn bị tinh thần học với một trường đa phần là các bạn nam chứ không phải một lớp”.

Chính sự quyết tâm này đã khiến hai “bóng hồng” luôn trở thành tâm điểm của khoa Cơ khí, không chỉ vì “sự đặc biệt” mà còn ở những thành tích cao trong học tập lẫn hoạt động tình nguyện. Phương Loan vừa là Ủy viên BCH Đoàn Khoa Cơ Khí vừa là thành viên Đội Xung kích Khoa Cơ Khí – CK Gear Team, đồng thời Phương Loan là lớp trưởng năng nổ của lớp Cơ khí K17.

Phương Loan và Gia Hân hai “bóng hồng” của lớp Cơ Khí K17. ẢnhNVCC

Không vui mà… rất vui

Ngày ngày làm việc với các thiết bị máy móc từ cưa đến bào, từ tiện đến hàn rồi gia công áp lực, phay, đúc, mài… đòi hỏi tốn rất nhiều sức lực nên hai nữ sinh của lớp Cơ khí được giảng viên lẫn các nam sinh ưu ái, giúp đỡ rất nhiều.

Bên cạnh đó, Gia Hân và Phương Loan đều rất tự tin khi chia sẻ rằng, ngày nay với sự phát triển của cơ khí hiện đại, sức người được thay thế bằng máy móc, robot và các thiết bị điều khiển số. “Công việc này có thể ngồi lập trình điều khiển trên máy tính nên rất cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Và rõ ràng điều này con gái không những không thua kém mà thậm chí còn thuận lợi hơn con trai” – Gia Hân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có duy nhất một điều gây khó với hai “bóng hồng” ở lớp Cơ khí này, mà theo Gian Hân tới giờ vẫn chưa có cách giải quyết, đó là… tìm chỗ ngủ trưa tại trường.

Gia Hân chia sẻ: “Trường mình có hai cơ sở, nhưng chỉ có một cơ sở có chỗ nghỉ trưa thôi. Các bạn nam trường mình dễ ăn dễ ngủ, nên nơi nào cũng là chỗ ngủ của các bạn đó hết trơn”.

Nhưng bù lại, việc trở thành tâm điểm của lớp, của trường theo Gia Hân và Phương Loan đó không phải là vui mà… rất vui. Hai “bóng hồng” luôn nhận được những “ưu đãi” đặc biệt của các bạn nam cũng như thầy cô trong lớp. Vì thế với hai nữ sinh này không có ngày lễ nào đặc biệt cả vì ngày nào cũng đặc biệt. “Tất nhiên, cũng hên xui lắm, nếu ngày đặc biệt trúng vào mùa thì thi hai đứa xác định ăn chắc ‘cục lơ’” – Phương Loan tâm sự.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lớp học đặc biệt này, Gia Hân hào hứng chia sẻ rằng:  “Dịp sinh nhật mẹ mình vào đúng kỳ học quân sự nên mình nghĩ sẽ làm gì đó ý nghĩa tặng mẹ. Ý tưởng của mình là sẽ chụp một bức ảnh của cả đại đội 7 và mọi người đang cầm dòng chữ “ HPBD MẸ”. Lúc đầu mình sợ rằng mọi người sẽ không chịu chụp đâu, vì tập hợp cả đại đội giữa trời nắng thì khó lắm. Ai ngờ đâu mấy bạn còn ‘sung’ hơn cả mình nữa. Thế mới nói con trai Bách Khoa cũng tình cảm lắm”.

Cả lớp Cơ khí K17 chụp hình với dòng chữ “HPBD Mẹ” để làm quà chúc mừng sinh nhật mẹ của Gia Hân. ẢnhNVCC

Còn với Phương Loan, lớp trưởng của Cơ khí K17 được 82 nam sinh bảo vệ khỏi sự “dòm ngó” từ các nam sinh khoa khác. Phương Loan cười: “Đôi lúc một vài bạn nam lớp khác đến làm quen với mình thì tụi nó kêu ‘tụi bây mà muốn làm quen với lớp trưởng thì phải bước qua xác 82 đứa tụi tao nha’”.

Sự xuất hiện của những “bóng hồng” như Gia Hân và Phương Loan trong nhóm ngành kỹ thuật dường như đang khiến cho những thứ vốn khô khan trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều.

PHẠM PHƯƠNG – YẾN YẾN (Bản tin ĐHQG-HCM số 189)