Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước vào cuối thế kỷ 20, trang bị kiến thức về điều khiển tự động cho sinh viên cơ khí là nhu cầu tất
yếu trong việc tiếp cận các trang thiết bị với công nghệ hiện đại, thí dụ như robot công nghiệp, máy công cụ điều khiển theo chương trình số,… Vào ngày 12/09/1994, bộ môn Kỹ thuật điều khiển tự động được thành lập theo quyết định số 150/TCBK với ba cán bộ giảng dạy xuất thân từ bộ môn Chế tạo máy, đó là cô Đoàn Thị Minh
Trinh (Quyền CNBM), thầy Nguyễn Ngọc Cẩn và thầy Nguyễn Đàm Tấn. Sau đó vào đầu năm 1995, sau khi bảo vệ luận văn tiến sĩ, TS. Lê Hoài Quốc làm Chủ nhiệm bộ môn đến năm 2006. Từ khi thành lập, bộ môn phụ trách việc giảng dạy các môn học cơ sơ ngành như môn ‘Trang bị điện – điện tử’, môn ‘Kỹ thuật điều khiển
tự động’ cho tất cả sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí cũng như đảm trách các môn học cho những sinh viên thuộc chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển tự động.
Vài năm sau đó, trên cơ sở ‘liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có tính năng vượt trội’, khái niệm cơ điện tử được hình thành, về cơ bản
đó là sự kết hợp phức hợp của các ngành cơ khí, điện tử và tin học. Vào ngày 28/01/1999 với quyết định số 22/TC-ĐHKT, bộ môn Cơ điện tử được hình thành với ba nhân sự đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Giáp (CNBM), thầy Đặng Văn Nghìn và thầy Trần Nguyên Duy Phương. Đấy cũng là thời điểm ngành Cơ điện tử được thí điểm mở ngành, tiên phong trong việc đào tạo ra những kỹ sư Cơ điện tử đầu tiên của đất nước. Từ đó, ngành cơ điệntử dần trở nên quen thuộc trong các ngành nghề đào tạo ở Việt Nam và bộ môn Cơ điện tử luôn là một đơn vị thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên kỹ thuật.
Sự tồn tại và phát triển đồng thời của bộ môn Kỹ thuật điều khiển tự động và bộ môn Cơ điện tử dẫn đến sự phân chia các nguồn lực đầu tư trong đơn vị. Do đó, vào
ngày 06/11/2006, hai bộ môn được giải thể. Bộ môn Cơ điện tử được tái thành lập trên cơ sở sáp nhập nhân sự, cơ sở vật chất của hai bộ môn cũ. Từ đó đến nay, bộ môn
tiếp tục phụ trách việc giảng dạy các môn học cơ sở về điều khiển tự động cho tất cả sinh viên các ngành trong khoa Cơ khí cũng như đảm trách các môn học đại học
và cao học ngành Kỹ thuật Cơ điện tử.
Hiện nay, hầu hết cán bộ giảng dạy đang công tác tại bộ môn đều là những cán bộ trẻ, có trình độ tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài, có nghiệp vụ sư phạm và năng lực
chuyên môn phù hợp. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển bộ môn theo định hướng chung.
Bộ môn Cơ Điện Tử là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực Kỹ thuật Cơ Điện Tử-là một ngành kỹ thuật hiện đại có nền tảng khoa học là phần giao thoa của các ngành cơ khí, ngành điện-điện tử, và ngành khoa học máy tính. Các kỹ sư cơ điện tử có khả năng thiết kế, phát triển, thử nghiệm và vận hành các hệ thống cần sự tích hợp của các phần tử cơ khí, phần tử điện-điện tử, và được điều khiển bởi giải thuật được chương trình hoá trên các thiết bị logic lập trình được.
Một số ví dụ về hệ thống cơ điện tử: robot công nghiệp, robot di động, máy in 3D, máy gia công bằng chương trình số, hệ thống điều khiển máy bay, hệ thống camera quan sát, hệ thống khoá điện tử, máy xạ trị ung thư, v.v
Tầm nhìn
- Trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, và đổi mới đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực Cơ Điện Tử. Chú trọng đào tạo gắn liền với thị trường lao động công nghệ cao. Hợp tác hiệu quả với các đối tác công nghiệp. Năng động đổi mới và sáng tạo. Nghiên cứu được thúc đẩy thông qua kết hợp đa ngành và hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên bộ môn.
Sứ mạng
- Đào tạo các sinh viên nắm vững kiến thức, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng giao tiếp và làm việc nhóm, có tinh thần khởi nghiệp và nhận thức về kỹ thuật thân thiện với môi trường. Chúng tôi mong muốn đào tạo những thế hệ kỹ sư kế tiếp có khả năng nắm bắt và sáng tạo những công nghệ cao.
Mục tiêu chiến lược
- Phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học trình độ quốc tế.
- Xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn và bám sát chính sách đào tạo và phát triển khoa học của quốc gia với sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác công nghiệp và học thuật
- Liên tục cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo
- Cải tiến và phát triển và cơ sở vật chất hiện có, hợp tác chặt chẽ với các đối tác học thuật và công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động học tập, giảng dạy và hỗ trợ nghiên cứu.
- Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.